Từ hàng ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, còn có rất nhiều đình, đền, miếu… thờ cúng Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời các Vua Hùng ở Phú Thọ và nhiều tỉnh trong cả nước. Hàng năm, trong những ngày giỗ Tổ, triệu triệu lượt đồng bào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng dù ở nơi đâu vẫn hướng về đất Tổ, cùng hành hương về Đền Hùng thành kính tri ân công đức các Vua Hùng - Tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam thể hiện đức tin về Tổ tiên, thắp nén tâm nhang tại lăng Hùng Vương cầu mong cho đất nước luôn thái bình, thịnh trị và muôn dân được ấm no, hạnh phúc.

 

Dù ai đi ngước về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm


Trong tiến trình lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc - Đền Hùng luôn được các triều đại và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ Quốc Tổ. Thời Hậu Lê năm Hồng Đức thứ nhất đã cho soạn "Ngọc phả Hùng Vương" đã chép "Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (Cổ Tích), ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của đấng Thánh Tổ xưa"... Từ khi nước nhà được độc lập, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các Vua Hùng - Tổ tiên chung của dân tộc và đầu tư nguồn kinh phí nhằm tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự Tổ tiên chung của dân tộc.

 

Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 22C NV/CC quy định về những ngày lễ lớn hàng năm, trong đó có ghi giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 1 ngày. Trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước về dự giỗ Tổ và dâng tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm nhằm kính cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình thịnh trị, cùng nhau đoàn kết đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ của đất nước.

 

Ngày 19/9/1954, sau khi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đền Hùng. Tại đây, Người đã gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong, đây cũng là lời căn dặn đồng bào cả nước: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

 

Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 Âm lịch) để tham gia các hoạt động hướng về cội nguồn, nhằm củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương được quy định cụ thể, chặt chẽ thể hiện sự tôn kính của các triều đại và nhân dân đối với Tổ tiên. Trong cuốn "Ngọc phả Hùng Vương" do Trực học sỹ Nguyễn Cố soạn năm 1470 đã ghi lại: "... Phụng ban hương Trung Nghĩa (Cổ Tích) làm dân Trưởng tạo lệ, cấp 500 mẫu ruộng tại xã Hy Cương, lại cho thu thuế ruộng của một vùng trên từ Tuyên Quang, Hưng Hóa, dưới Việt Trì làm hương hỏa phụng thờ".

 

Đến thời nhà Nguyễn, định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của thập kỷ), đến năm Khải Định thứ 2 (1917) đã ấn định ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ Tổ Hùng Vương một ngày, còn ngày giỗ 11 tháng 3 Âm lịch do dân sở tại làm lễ. Hiện nay, nội dung bia ghi về "Điển lệ miếu thờ Hùng Vương, niên hiệu Khải Định thứ 8 (1923) có đoạn ghi: "Phụng sao văn bản của Bộ lễ định ngày Quốc tế": Từ nay về sau lấy ngày mùng 10 tháng 3, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính trước một ngày so với ngày quốc tế của bản hạt. Lễ nghi vào ngày hội kỷ niệm hàng năm: Chiều ngày mùng 9 tháng 3 các quan liệt hiến trong tỉnh cùng các quan viên trong các phủ, huyện của tỉnh đều mặc phẩm phục tề tựu, túc trực tại nhà Công Quán. Sáng sớm hôm sau (mồng 10 tháng 3) đến miếu kính lễ. Lễ phẩm dùng cho ngày này gồm: Bò, dê, lợn, xôi. Trước kỳ này, vị Hội trưởng thông báo cho các hội viên trong hội đồng bàn bạc trình tại Phủ đường thẩm xét, trích số tiền lợi tự điền bao nhiêu, cùng số tiền 100 đồng do Nhà nước cấp mỗi năm, giao cho quan Phủ Lâm Thao nhận lấy mua lễ phẩm và chi tiêu vào các khoản…

 

Ngày nay, giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ lớn - Quốc Lễ của cả nước và được Chính phủ quy định cụ thể về quy mô tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương theo năm chẵn, năm tròn và năm lẻ. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn Nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương về tổ chức nghi thức lễ đối với tỉnh Phú Thọ (nơi có Di tích lịch sử Đền Hùng) và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đền thờ Vua Hùng, các di tích liên quan đến các Vua Hùng và những địa phương không có đền thờ Vua Hùng tổ chức nội dung và nghi lễ trong ngày giỗ Tổ 10/3 về lễ phẩm (gồm bánh chưng, bánh giầy và hương, hoa, nước, trầu, cau...); quy định trang phục của chủ lễ, các đại biểu dự lễ; nhạc lễ sử dụng trong Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt và thống nhất sử dụng trong toàn quốc...

 

Tại kỳ họp thứ 7 của Tổ chức UNESCO, vào hồi 12 giờ 9 phút giờ Pari (tức 18 giờ 9 phút, giờ Việt Nam) ngày 6/12/2012, với sự đồng thuận của 24/24 nước trong Ủy ban liên Chính phủ thực hiện Công ước 2003 UNESCO đã chính thức thông qua đề cử và vinh danh "Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam trong việc tôn vinh giá trị đại diện toàn cầu của Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng - Ông Tổ chung của cả dân tộc trước nhân loại, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta.

 

Trong những năm gần đây, Đền Hùng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước đã đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích và xây dựng các công trình phục vụ các hoạt động lễ hội nhằm nâng cao vị thế của di tích. Ý thức hướng về cội nguồn của đồng bào trong và ngoài nước ngày càng nâng cao, lượng du khách về thăm viếng Đền Hùng hàng năm tăng cao đã có thêm những đóng góp công đức để tu bổ, xây dựng Di tích lịch sử Đền Hùng thành điểm du lịch văn hoá tâm linh, xứng tầm là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt - nơi thờ tự Tổ tiên thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

 

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm - về Đền Hùng thành kính thắp nén tâm nhang tri ân công đức Các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, thể hiện triết lý “Con người có Tổ, có Tông, như cây có cội, như sông có nguồn”. Dân tộc Việt Nam cùng một bọc mẹ sinh ra, luôn đoàn kết gắn bó như keo sơn chặt chẽ, dân tộc Việt Nam cùng một dòng máu Lạc Hồng được bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác - là bản sắc văn hóa độc đáo, rất riêng của dân tộc Việt Nam cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại.

Lưu Quang Huy