Ấn tượng đầu tiên là căn phòng tuy nhỏ nhưng được bao quanh bởi những bức tranh sống động, chụp có, vẽ có về Hồ Gươm. Anh nói, “tất cả đều cùng một tác giả đấy”, chúng tôi hiểu đó là anh.

Sinh ra và lớn lên trên con phố Lý Thường Kiệt, ngay gần Hồ Gươm. Báo Nhân dân, nơi anh làm việc hơn 30 năm có cây đa cổ thụ nằm sát hồ. Mỗi gốc cây, ngọn cỏ, mỗi tấc đất chu vi quanh hồ luôn in dấu sâu đậm trong tâm trí anh, đó có thể là một lí do khiến anh yêu Hồ Gươm đến như vậy. Đến mức anh đùa “Tôi sẽ ghen với người nào yêu Hồ Hoàn Kiếm hơn tôi”, nhưng ghen ở đây không phải là sự đố kị, ghen ghét mà là động lực thôi thúc để anh tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống chung quanh hồ, để ghi lại nhiều hơn nữa những mẩu chuyện, những bức hình, những gì đẹp đẽ và sống động diễn ra ở nơi đây.

Bắt đầu từ những năm 2000, sau những giờ làm việc căng thẳng anh thường xuyên đi bộ quanh hồ để hít thở, tận hưởng không gian tuyệt vời của vườn “đại cảnh” Hồ Gươm, đây chính là nơi khởi đầu cho cuốn sách “Chuyện kể bên Hồ Gươm” được xuất bản 17 năm sau đó. Cuốn sách tập hợp gần 200 bài viết kèm ảnh về cuộc sống, chân dung của người Hà Nội, khách du lịch và kiến trúc Hồ Hoàn Kiếm, trong thời gian từ 2006 đến ngày 10/10/2010. Mỗi bài viết như một tác phẩm báo chí, thuật lại  sự kiện một cách trung thực và dung dị nhất. 

Anh kể, trong suốt quá trình ấp ủ cho đến ngày xuất bản cuốn sách đã có lúc anh từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, muốn dừng lại vì những khó khăn trong quá trình biên tập, in, xuất bản, bên cạnh đó công việc bận rộn ảnh hưởng đến quá trình ghi lại những diễn biến xung quanh hồ, nhưng với suy nghĩ: "Sau mỗi cú bấm máy, bức ảnh đó, sự kiện diễn ra ngày hôm trước đã trở thành quá khứ. Tuy không phải là nhà sử học nhưng tôi “viết sử” bên hồ bằng chính các các tác phẩm báo chí của mình…”, đã thôi thúc anh lưu lại một Hồ Gươm - một thắng cảnh của Thăng Long, Hà Nội - trung tâm của một vùng văn hoá rất đặc biệt của Thủ đô ngàn năm văn hiến cho thế hệ sau, khi muốn tìm hiểu về Hồ Gươm có thể tìm thấy qua cuốn sách này. Anh mong muốn truyền lại cho họ không chỉ là những khoảnh khắc lịch sử, những con người bình dị mà còn là một tình yêu với Hà Nội, với Hồ Gươm. 

Có thể nói, cuốn sách như một góc Hà Nội thu nhỏ, nơi gặp gỡ của người dân Hà Nội với một tinh thần cộng cảm, để người ta cảm thấy yêu quý nhau hơn, và cùng thêm yêu Hà Nội - thành phố bình yên thi vị được gọi với cái tên thân thương “Thành phố vì hoà bình”.

Cầm cuốn sách trên tay, chúng tôi mới cảm nhận hết được tâm huyết và tình yêu của anh với Hồ Hoàn Kiếm. Phải là yêu đến cháy bỏng mới ghi lại được những câu chuyện đời thường đến như vậy, từ những gốc cây ngọn cỏ, từ vỉa hè, cột điện, đến trụ đá, cây đinh...

Nhà báo Hà Hồng cùng với đồng nghiệp Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội làm ký sự Hồ Gươm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Khi cuốn sách được xuất bản, nhiều người là nhân vật trong các bài viết của anh đã mất. Cuốn sách này đã lưu lại hình ảnh và câu chuyện của họ như nhà văn Băng Sơn; bác Thúy Nguyên chủ hiệu ảnh Quốc tế trên phố Hàng Khay; chị Bích, con gái ông chủ cà phê Giảng trên phố Cầu Gỗ… Là lễ hội hoa đầu tiên diễn ra trên phố Đinh Tiên Hoàng, là lễ hội Thăng Long năm 2009 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ… Tất cả đều được anh cẩn thận, tỉ mỉ ghi chép lại. 

Năm 2006, anh lập ra trang web: www.hohoankiem.org. Gần như mỗi tuần anh đều có vài bài viết, tin ngắn, những bức ảnh cung cấp thông tin đến người truy cập về Hồ Hoàn Kiếm. Đến nay, đã đăng trên trang web hơn 1.300 tin bài và hàng ngàn bức ảnh, số lượt truy nhập vào trang web đã hơn 39 triệu lượt người truy cập, từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó cũng là điều khiến anh rất tự hào. 

Yêu Hồ Gươm nên anh cũng đã ghi lại được hàng trăm bức ảnh về Cụ Rùa. Anh biết được Cụ Rùa thường hay nổi vào giờ nào, góc nào của hồ, anh tin vào những điều tâm linh liên quan đến Cụ. Cũng như mong muốn với cuốn “Chuyện kể bên Hồ Gươm”, anh ấp ủ trong thời gian tới sẽ xuất bản một cuốn sách riêng về Cụ Rùa.

Gom góp 20 năm vốn liếng cũng như tâm huyết sưu tầm, ghi khắc, trong thời điểm người người tất tả đón Xuân, anh cũng tất tả hoàn thành một bảo tàng tư nhân. Nơi đây lưu giữ những tài liệu, tranh ảnh, những câu chuyện xung quanh Hồ Gươm mà anh đã dày công có được. Anh muốn tiếp tục “kể chuyện” về hồ thông qua những điều bình dị ấy. Đối với anh, vẻ đẹp của Hồ Hoàn Kiếm vào mỗi thời khắc lại có rung cảm riêng, để anh lại đắm chìm trong “cơn say” như câu thơ anh sưu tầm trong một bài viết của mình:

“Hồ Gươm như chén rượu tình
Chẳng mời cũng uống cho mình cũng say”!

Thủy Linh