Thông tin này không đáng ngạc nhiên, bởi Nhật Bản luôn được coi là quốc gia có nhiều người sống thọ nhất. Phụ nữ Nhật có tuổi thọ trung bình rơi vào khoảng 87 tuổi, còn đàn ông Nhật là 80 tuổi, trong khi tại Mỹ, con số này lần lượt là 81 và 76.

Theo tổ chức Y tế Thế giới, người Nhật Bản có thể sống tới 75 tuổi một cách hoàn toàn khỏe mạnh, không có khuyết tật gì.

Trong nhiều thập kỷ tại Mỹ, cơn sốt ẩm thực có lợi cho sức khỏe theo phong cách Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, với nhiều cuốn sách nói về “chế độ ăn Okinawa” hay một loạt các phương pháp khác nhằm khám phá bí ẩn trường thọ của phương Đông.

Tuy nhiên, những hình ảnh về các thiền sư hơn 90 tuổi, sống trên núi, ăn sushi và rau xanh đều chỉ là tưởng tượng của nhiều người. Chế độ ăn của người Nhật cũng không vượt trội hơn những chế độ ăn lành mạnh của người châu Âu hay người Mỹ. Nhật Bản hiện đại cũng là một môi trường khá căng thẳng. Người dân tại các siêu đô thị của Nhật thường xuyên phải làm việc nhiều giờ.

Theo số liệu năm 2012, số giờ làm việc trung bình của mỗi người lao động Nhật Bản lên tới 1745 giờ. Giao thông tại các thành phố thường ồn ào và mất nhiều thời gian. Áp lực công việc tại Nhật là rất lớn, đồng thời người Nhật cũng không hài lòng với thất bại.

Vậy bí quyết sống lâu của người Nhật nằm ở đâu?

Ẩm thực có thể là một yếu tố trong bí quyết này, song đây vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Sự kết hợp của khẩu phần ăn nhỏ, các món ăn ít calo như cá hay rau củ, với cách trình bày hấp dẫn, đẹp mắt đều góp phần giúp cho người Nhật có được tuổi thọ dài lâu và sức khỏe tốt hơn. Đó là ý kiến của tác giả Naomi Moriyama trong cuốn sách mang tên "Phụ nữ Nhật không bị già hoặc béo: Bí quyết từ bếp ăn Tokyo của mẹ tôi" ("Japanese Women Don't Get Old or Fat: Secrets of My Mother's Tokyo Kitchen.”)

“Chế độ ăn uống của người Nhật giống như chiếc iPod của thực phẩm vậy,” chị nhận định. “Nó tập trung năng lượng tuyệt vời của thực phẩm trong một khẩu phần nhỏ gọn và vừa miệng.”

Ngoài ra còn có chế độ ăn “huyền thoại” Okinawa xuất phát từ hòn đảo có nhiều khác biệt cả về phong tục lẫn ẩm thực so với các vùng khác của nước Nhật.

Một số bác sỹ thì cho rằng một loạt các món ăn giúp người Nhật có ít nguy cơ mắc ung thư dạ dày hay xơ cứng động mạch như đậu phụ, rong biển konbu, mực và bạch tuộc là một phần trong lời giải thích về sự trường thọ của người Nhật.

Tuy nhiên, thực phẩm không thể là câu trả lời duy nhất, bởi bên cạnh những món ăn có lợi, nhiều món ăn Nhật cũng chứa lượng muối lớn, hoặc không được nấu chín. Sushi có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn H. Pylori - một loại bệnh có thể dẫn tới ung thư dạ dày.

Nhiều người khác cho rằng bí mật nằm ở cuộc sống hạnh phúc và ít căng thẳng của người cao tuổi ở Nhật, do họ có thể an hưởng tuổi già nhờ có sự giúp đỡ của con cái. Người cao tuổi Nhật có thể sống khỏe mạnh, thay vì phải tới các viện dưỡng lão hay bệnh viện, nơi người ta chủ yếu muốn kéo dài sự sống của họ hơn là đảm bảo chất lượng cuộc sống cho họ.

Ngày nay, truyền thống nương tựa vào con trai và con dâu của người cao tuổi Nhật không còn phổ biến như trước, do tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động ngày càng tăng.

Dù cuộc sống của người dân Nhật có thay đổi, nhưng họ vẫn dẫn đầu trong vấn đề kéo dài tuổi thọ so với các nước khác./.

 Theo Vietnam+