Trần Bảng sinh năm Bính Dần 1926 trong một gia đình Tây học và văn chương nổi tiếng ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cha ông là nhà văn Trần Tiêu, bác ruột ông là nhà văn Khái Hưng, 2 trong những chủ soái của Tự Lực Văn Đoàn. Trần Bảng tham gia kháng chiến chống Pháp với hoạt động viết, diễn kịch nói ở đội Tuyên truyền Sao Mai xã Cổ Am, Vĩnh Bảo rồi được đưa lên Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương trên chiến khu Việt Bắc.

Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương hồi ấy hội tụ những tên tuổi cự phách của văn nghệ kháng chiến như Thế Lữ, Song Kim (tổ kịch), Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Doãn Mẫn, Thái Ly (tổ ca múa nhạc), Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam (tổ chèo).

Cuối năm 1952, để chuẩn bị phục vụ một hội nghị lớn của Trung ương, Trần Bảng, sau một thời gian say mê học chèo, đã kết hợp với các nghệ sĩ Năm Ngũ, Dịu Hương viết đề cương và dựng vở Chị Trầm, vở chèo hiện đại đầu tiên của sân khấu chèo cách mạng. Đêm công diễn Chị Trầm, Bác Hồ đã cùng các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng đến xem. Vở diễn kết thúc, Bác Hồ trực tiếp bước lên sân khấu khen ngợi: Phường chèo này hát hay lắm! Bác còn khen Trần Bảng còn trẻ mà đã biết yêu vốn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc và ân cần căn dặn: “Chèo là viên ngọc quý, phải ra sức học, cháu đặc biệt phải học các nghệ nhân để hiểu sâu và nắm vững nghề chèo”.

Thực hiện lời dặn của Bác, cho đến nay, sau hơn 60 năm tự tin, cần mẫn học hỏi nghiên cứu, lao động sáng tạo, Trần Bảng đã có những thành tựu khó ai bì kịp ở cả 3 tư cách: soạn giả, đạo diễn và nhà lý luận. Ông là tác giả của các vở chèo nổi tiếng: Con trâu hai nhà, Đường đi đôi ngả, Cô gái và anh đô vật, Tình rừng, Câu chuyện tình 80, Máu chúng ta đã chảy… Ông là đạo diễn thành công nhất của sân khấu chèo với trên 20 vở diễn được đánh giá cao, trong đó nhiều vở được coi là các mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của sân khấu chèo cách mạng ở cả 2 phương diện phục dựng trò diễn cổ và sáng tạo trò diễn mới như: Quan Âm Thị Kính, Súy Vân, Lưu Bình Dương Lễ, Trinh Nguyên, Từ Thức, Nàng Thiệt Thê (chèo cổ), Lọ nước thần, Đôi ngọc truyền kỳ, Tống Trân Cúc Hoa (dân gian), Tô Hiến Thành (lịch sử), Cô giải phóng, Cô gái và anh đô vật, Tình rừng (hiện đại)…

Ông cũng là nhà nghiên cứu lý luận chèo hàng đầu. 4 cuốn sách ông đã công bố: Khái luận về chèo, Kỹ thuật biểu diễn chèo, Chèo - Một hiện tượng sân khấu dân tộc, Trần Bảng đạo diễn chèo là 4 công trình tổng kết học thuật công phu, tâm huyết, sáng tạo. Đó là những công trình đã xây dựng nên hệ thống lý luận khá hoàn chỉnh về nghệ thuật chèo, đã trở thành cẩm nang, sách gối đầu giường không chỉ của nhiều thế hệ chèo mà còn của giới sân khấu truyền thống nói chung.

Trần Bảng rất xứng đáng với học hàm Giáo sư, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (1993) và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001). Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đang đề nghị phong tặng cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016.

Tuy đã bước vào tuổi 90, nhưng Trần Bảng vẫn đang cố gắng đóng góp cho Chèo và sân khấu Việt Nam tất cả những gì còn có thể. Ông vẫn đang nhận làm cố vấn cho những chương trình phục hồi chèo truyền thống của Nhà hát Chèo Việt Nam. Ông thường tiếp các nghệ sĩ tác giả, đạo diễn, nhà nghiên cứu trẻ tại nhà và không tiếc thời gian trao truyền ngọn lửa tình yêu và kinh nghiệm làm nghề cho họ. Cuối năm 2015 vừa qua, ông đã bổ sung và cho tái bản một công trình tâm huyết, “Trần Bảng - đạo diễn chèo”. Công trình được ông và gia đình in và gửi tặng cho các nghệ sĩ chèo cả nước nhân dịp Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức mừng ông bước vào mùa xuân thứ 90 của cuộc đời.

Trong công trình này, cũng như các công trình tâm huyết khác, Trần Bảng luôn thao thức cho tương lai của bộ môn sân khấu thuần Việt này. Lý giải thái độ thờ ơ lạnh nhạt của khán giả hôm nay, không chỉ của lớp khán giả trẻ mà cả những người từng hiểu biết và say mê chèo, Trần Bảng thẳng thắn chỉ rõ đó là do chèo đã đánh mất khí lực, đánh mất những nét đẹp độc đáo của truyền thống. Bằng những bài học lịch sử về thất bại rõ ràng của các cuộc “cải cách” “hiện đại hoá” thất bại trong lịch sử phát triển và cả hiện nay, Trần Bảng khẳng định: “Các hình thức gọi là cải cách ấy chẳng mang lại hiệu quả gì mà chỉ làm cho các di sản sân khấu quý báu của chúng ta sa vào nguy cơ mai một trầm trọng hơn”. Theo Trần Bảng, lịch sử đã chứng minh chèo chỉ thực sự phục sinh, thăng hoa khi tìm về với truyền thống song song với việc tiếp thu những tinh hoa của sân khấu thời đại. Ông Trùm chèo thời nay khẩn thiết đề nghị đồng nghiệp: “Chúng ta, những người làm nghề, có trách nhiệm lớn trong sự hưng thịnh của nghề. Hãy lấy lại niềm tin, lòng yêu say nghề, cùng nhau đúng lên quyết tâm chấn hưng nghề tổ”.

Vào tuổi 90, Trần Bảng vẫn đang lặng lẽ, hết lòng, hết sức thực hiện những tâm huyết của chính mình. Chèo sẽ được chấn hưng thành công, sẽ mãi trường tồn nhờ những người như ông…

Tố Hoa