Công - tư bình đẳng

Theo Dự thảo Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non (GDMN) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Năm học 2013 - 2014, cả nước đã có trên 14.000 trường mầm non, tăng gần 400 trường so với năm học trước, tăng trên 1.200 trường so với năm học 2009 - 2010.

Tại các thành phố lớn, khu công nghiệp - nơi tập trung đông dân cư, số lượng các trường ngoài công lập phát triển khá mạnh như: Đà Nẵng (58,86%), Bình Dương (58,23%), TP Hồ Chí Minh (trên 54%)... Riêng, tại Thủ đô Hà Nội - nơi chiếm 1/10 trẻ mầm non toàn quốc, hiện có 948 trường mầm non với 464.000 trẻ.

Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội thừa nhận, mạng lưới trường, lớp mầm non phát triển khá nhanh, bình quân tăng 23 - 28 trường/năm, chủ yếu là các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân.

Theo bà Nga, các trường ngoài công lập đóng góp lớn trong việc giảm tải cho trường công lập, nhiều trường áp dụng phương pháp tiên tiến góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục mọi mặt. Tuy nhiên, loại hình trường này chưa được quan tâm đúng mức, ví như quỹ đất, kinh phí xây dựng trường, hay chính sách, chế độ với giáo viên... Do đó, cần có thêm chính sách cho GDMN, nhất là ngoài công lập, có thể miễn thuế từ 8 - 10 năm đầu...

Trao đổi về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, số trường công của nước ta hiện còn quá ít, nhất là ở các thành phố lớn. Trường công ít, thì số trẻ được vào những trường đó phải là con gia đình có tiền hoặc quen biết, thậm chí có thế lực gì đấy mới vào được. "Vào trường công, chỉ phải trả học phí rất thấp, 40 nghìn đồng/tháng. Trong khi đó, trường tư lại cao hơn gấp 5 - 6 lần. Tôi cho là nếu đã đi học thì phải trả phí cao, còn đã hỗ trợ học phí thấp thì phải cho toàn bộ trẻ em, chứ không phải chỉ những cháu học ở trường công. Đây là chuyện cần tính toán lại", GS Thuyết nói.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Cần bình đẳng giữa trường mầm non công và tư. Ảnh: Hải Hà

Tăng chế độ cho giáo viên

Theo các chuyên gia giáo dục, một trong những "rào cản" khiến GDMN (cả công và tư) chưa đạt "lượng và chất" là do chế độ, chính sách với giáo viên mầm non hiện nay chưa tương xứng.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, hiện cả nước thiếu gần 27.000 giáo viên mầm non và có đến 1/3 số tỉnh, thành phố có tỷ lệ giáo viên/lớp mẫu giáo chỉ đạt 1 - 1,4. Với "lượng" khiêm tốn như vậy, Bộ GD&ĐT khẳng định, số lượng giáo viên mầm non hiện vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu phát triển. Đó là chưa kể tới chất lượng giáo viên mầm non còn yếu về "chất", nhiều giáo viên mầm non mới ra trường không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn...

Lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, thu nhập hiện nay của giáo viên mầm non quá thấp, đặc biệt là với những người mới vào nghề. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc nhiều người không "mặn mà" theo nghề.

Chia sẻ với nỗi vất vả mà giáo viên mầm non gặp phải, ông Thanh nói: Giáo viên mầm non là nghề vất vả, do yêu cầu của công việc, bắt buộc giáo viên mầm non phải đi sớm về muộn, mỗi ngày phải làm việc từ 10 - 15 tiếng. Trong khi đó, hiện nay, ngoài TP Hồ Chí Minh, hầu như chưa có địa phương nào vận dụng cơ chế trả tiền làm việc thêm giờ cho giáo viên mầm non.

Phân tích sâu hơn về chế độ, chính sách với giáo viên mầm non, bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: Giáo viên mầm non ở các cơ sở mầm non học 2 buổi/ngày phải kéo dài thời gian lao động suốt hơn 8 tiếng/ngày. Trong khi đó, chăm sóc trẻ nhỏ tuổi đòi hỏi sự tận tâm, chu đáo. Để nâng cao chất lượng GDMN cần phải quan tâm đến đời sống của giáo viên và đổi mới phương pháp dạy học, chăm sóc trẻ, đây là 2 vấn đề cần phải được tập trung giải quyết. Đặc biệt, phải có cơ chế chính sách cho giáo viên yên tâm với nghề, đây là cốt lõi để tạo nên chất lượng giáo dục".

Hải Hà