Từ ngày 1/7/2008 đến tháng 5/2018, UBND huyện Hòa Vang đã cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 29 hồ sơ, với diện tích 4.213m2 đất, trong đó có 3 hồ sơ chuyển mục đích đất nông nghiệp thuần túy sang đất ở và 26 hồ sơ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở. 

Tất cả diện tích đất được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đều không căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không đúng quy định tại khoản 3 Điều 30 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 và Điều 52 Luật Đất đai năm 2013.

Việc cấp sổ đỏ đất đai qua kiểm tra cho thấy, trình tự, thủ tục còn có một số hạn chế, thiếu sót như: Hồ sơ tách thửa để chuyển quyền sử dụng đất chỉ có đơn xin tách thửa của người chuyển quyền mà không có đơn đề nghị của người được nhận sử dụng đất, không làm rõ chênh lệch về diện tích giữa hợp đồng chuyển nhượng với diện tích được ghi trong sổ đỏ. 

Có trường hợp người nhận tặng cho không ký tên trong hợp đồng tặng cho, là không đúng quy định tại Điều 135 và 148 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/ 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, Điều 18 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung một số trường hợp cấp sổ đỏ.

Việc UBND xã Hòa Liên đã ký chứng thực vào hợp đồng tặng cho không có chữ ký của người nhận tặng cho đối với hồ sơ bà Trương Thị Thanh Mỹ, là không đúng với quy định tại Điều 17 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

UBND xã Hòa Liên còn để 10 trường hợp xây dựng nhà, vật kiến trúc trên đất nông nghiệp, trong đó có 8 trường hợp xây dựng từ các năm 2001 - 2004, 1 trường hợp xây dựng năm 1997 và sử dụng cho đến nay.

Các hộ trên đã sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm Điều 6 Luật Đất đai năm 1993, Điều 15 Luật Đất đai năm 2003 (nay là Điều 12, Luật Đất đai năm 2013); nhưng UBND huyện và xã không lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai theo quy định tại Điều 143 Luật Đất đai 2003 và Điều 208 Luật Đất đai 2013. 

Trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang và bộ phận tham mưu.

Từ cơ sở trên, Thanh tra TP. Đà Nẵng yêu cầu UBND huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Liên... tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm và khắc phục đối với những hạn chế, thiếu sót trên.

Người dân Vân Dương 2, Hòa Liên mong sớm cải tạo lại diện tích đất ruộng bỏ hoang để sản xuất ổn định cuộc sống. Ảnh: NP

Như Báo Thanh tra đã thông tin, việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên trong thời gian qua bộc lộ nhiều thiếu sót, bất cập...

Ông Phan Văn Thanh, Trưởng thôn Vân Dương 2 cho biết, vào thời điểm sau năm 2000, cả thôn chỉ có 178 hộ dân, gần 20 năm qua, con em các gia đình trong thôn lấy vợ, gả chồng; rồi người địa phương khác tới sinh sống; đến nay toàn thôn đã có 436 hộ; trong đó có hơn 80% người dân đang sản xuất nông nghiệp.

Sau nhiều lần thu hồi đất phục vụ các dự án, cả thôn chỉ còn 21 ha đất sản xuất nông nghiệp. 

Một số hộ dân đã bán đất vườn, đất ruộng cho người từ nơi khác đến và họ mua đất, rồi dựng nhà trái phép. Chính quyền xã và thôn phát hiện 20 trường hợp xây nhà trái phép nên yêu cầu tháo gỡ toàn bộ.

Về vấn đề di dời dân hay nhà máy thép, nhiều người dân thôn Vân Dương 2 muốn ở lại vì duy trì một cộng đồng dân cư lâu đời, gắn bó với những phong tục, đình, miếu thờ mang giá trị văn hóa, tâm linh... nếu giải tỏa vào khu tái định cư mới, đời sống người dân sẽ rất khó khăn. Vì với diện tích mỗi hộ chỉ khoảng 200m2 đất ở và vườn như hiện nay, khi giải tỏa sẽ không thể đủ tiền làm nhà mới, chứ chưa nói đến chuyện nộp tiền đất tái định cư rồi kiếm kế sinh nhai...

Bà con trong thôn còn đề nghị TP sớm có biện pháp hỗ trợ để cải tạo hơn 8 ha đất nông nghiệp đã quy hoạch, bị ô nhiễm bỏ hoang hơn 2 năm qua; nhằm đưa vào sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Ngọc Phó