Dự báo, năm 2018, tham nhũng từng bước “đẩy lùi, thuyên giảm”

Công tác PCTN đã gắn với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cao cấp và trong lĩnh vực công tác được cho là “nhạy cảm”.

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và người dân trong PCTN ngày càng được phát huy tốt hơn…

Chính phủ dự báo, thời gian tới, “tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và thuyên giảm. Công tác PCTN tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt”.

Lý do được đưa ra là, công tác PCTN tiếp tục có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan báo chí, nhân dân...

“Qua các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện, xử lý nghiêm minh, các ngành, các cấp cũng đã nhận diện được nhiều sơ hở, bất cập cả trong cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, giám sát… Từ đó đã kịp thời tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng có hiệu quả hơn”, Chính phủ nêu.

Ngăn chặn các biểu hiện “lợi ích nhóm”, “sân sau”

Tuy vậy, “tham nhũng vặt” sẽ tiếp tục là vấn đề phức tạp; một số biểu hiện như “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau” vẫn có thể xảy ra, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa…

Chính vì vậy, để công tác PCTN hiệu quả hơn, Chính phủ đề ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”.

“Kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan PCTN; khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước…”, Chính phủ nêu rõ.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm những biểu hiện “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau”…; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện…

Chính phủ cũng kiến nghị, Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác PCTN. Đồng thời, đề nghị  TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, các cơ quan tố tụng kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử…

Để xảy ra tham nhũng, 5 người đứng đầu bị xử lý hình sự

Năm 2018, có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, có 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tăng theo từng năm (năm 2018 tăng 17 người so với năm 2017; năm 2017 tăng 28 người so với năm 2016), đã có tác dụng răn đe, cũng như đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong PCTN tại đơn vị mình phụ trách.


Các con số phát hiện, xử lý tham nhũng

- Qua tự kiểm tra nội bộ phát hiện 25 vụ, 27 đối tượng tham nhũng (giảm 43,2% số vụ).

- Qua hoạt động thanh tra phát hiện 78 vụ, 106 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 14,7% số vụ).

- Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 40 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 66,7% số vụ).

- Cơ quan điều tra của lực lượng Công an đã thụ lý điều tra 427 vụ án, 889 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 212 vụ, 488 bị can; tạm đình chỉ điều tra 6 vụ, 12 bị can… Thiệt hại trong các vụ án đã thụ lý, điều tra là hơn 4.764 tỷ đồng, trên 300.000m2. Đến nay, đã thu hồi trên 2.267 tỷ đồng và nhiều tài sản.

- Viện KSND các cấp thụ lý giải quyết 278 vụ, 678 bị can; đã giải quyết 250 vụ, 595 bị can, đạt tỷ lệ 90%, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

- TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 340 vụ với 827 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 200 vụ, 472 bị cáo về các tội danh tham nhũng; tuyên phạt 9 án tử hình, tù chung thân (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017).


Hương Giang