Số vụ phạm pháp hình sự giảm so với năm 2016

Theo Báo cáo tóm tắt của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm (BCĐ 138) và Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (BCĐ 389), năm 2017, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện; phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; an sinh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; tổ chức thành công Năm APEC 2017. Uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Trong đó có sự đóng góp quan trọng của BCĐ 138, BCĐ 389 ở cả Trung ương và địa phương. Các Ban đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương.

Một số kết quả nổi bật có thể kể đến trong công tác phòng, chống tội phạm, đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt đã trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... Trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị 39/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ.

Kết quả, làm giảm 3,02 % số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2016. Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 80,41% tăng 2,47%. Đã điều tra, khám phá nhanh nhiều vụ trọng án giết người, cướp tài sản, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhất là Tuần lễ cấp cao APEC... Đồng thời, đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng, ký kết, phê chuẩn các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng của các nước liên quan trong việc truy bắt các đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài.

Phát hiện gần 226.000 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Trong công tác chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả, nổi bật là việc ban hành 4 kế hoạch đấu tranh theo chuyên đề mang lại hiệu quả cao, như: Kế hoạch chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018…

Năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 226.000 vụ việc vi phạm (tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 23.000 tỷ đồng (tăng 7,17% so với cùng kỳ năm 2016), khởi tố 1.637 vụ (tăng 4,87%).

Ghi nhận và biểu dương những thành tích mà hai BCĐ cùng các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đánh giá: “Kết quả trên đã góp phần làm giảm tội phạm, góp phần quan trọng tạo môi trường xã hội lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ 8 nhiệm vụ trọng tâm

Để công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có được chuyển biến căn bản hơn trong năm 2018, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, quan trọng hàng đầu là phải tổ chức quán triệt những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 138 và 389 về công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các Bộ, ngành, địa phương.

“Kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này, đặc biệt là đối với công tác phòng, chống tham những phải kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dụng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa và chủ động phát hiện tội phạm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trọng tâm thứ hai là các BCĐ cần phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nỗ lực triển khai công tác xây dựng pháp luật. Tiếp đó, tổ chức nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, trong nước, không để xảy ra bị động, bất ngờ và kịp thời tham mưu các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phục vụ nhiệm vụ phát triền kinh tế-xã hội, đối ngoại của đất nước. Trong trọng tâm thứ tư, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin báo chí nhất là thông qua mạng Internet hong việc đấu tranh lên án, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.

Đáng chú ý, ở trọng tâm thứ năm, cần nâng cao hiệu quả phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, các băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp, buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em, chống người thì hành công vụ, tội phạm có yếu tố nước ngoài, nhất là tội phạm khủng bố, ma túy, mua bán người, rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, tham nhũng. Có biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài. Xác lập các chuyên án lớn về chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm buôn lậu các mặt hàng xăng đầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát…

 

Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam (ảnh giữa) dự Hội nghị. Ảnh: HO


 

Đặc biệt là tăng cường quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với cơ quan điều tra trong công tác phòng chống tội phạm; xác định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan khi tham gia phối hợp. Các cơ quan điều tra cũng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án trong điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Các giải pháp tiếp theo, cần xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, lực lượng, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người đến năm 2020 của Chính phủ. Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này...

“Năm 2018 là năm bản lề có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020). Trên tinh thần thông điệp của Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, với khí thế mới, niềm tin mới, các đồng chí thành viên BCĐ cần bám sát chương trình, kế hoạch, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo ra khi thế mới, xung lực mới trong công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phấn đấu hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra trong năm 2018”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tràng An