Thế nào là giải trình “không hợp lý”: Chứng minh rất khó

+ Minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ luôn được cử tri quan tâm. Trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi mới đây, Chính phủ đưa ra 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo quy định hiện hành, hàng năm, cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập. Biến động tài sản có thể giảm đi hoặc tăng thêm. Việc kê khai phải đầy đủ, trung thực, khách quan. Nếu kê khai không trung thực, cán bộ, công chức đó chỉ bị kỷ luật.

Dự thảo Luật PCTN sửa đổi, Chính phủ đề xuất 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý khi chưa có dấu hiệu cho thấy phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm này có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.

Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc đánh thuế thu nhập cá nhân. Hoặc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Trong hai phương án này, tôi đồng ý với phương án đánh thuế nếu không giải trình được một cách hợp lý tài sản, thu nhập tăng thêm. Nhưng người ta giải trình theo hướng “tôi xây được cái nhà này là do ông, bà, cha mẹ có vàng bạc để dành nay chia cho các con” hay “được bạn bè giúp đỡ cho vay tiền” thì sẽ xử lý như thế nào?

Lúc này, các cơ quan Nhà nước không đồng ý với giải trình đó và cho rằng không hợp lý thì phải chứng minh được nó không hợp lý chỗ nào. Trong khi, việc quen ai, ai giúp đỡ, ai cho tài sản là quyền riêng tư, được Hiến pháp bảo vệ.

+ Giả sử nhìn vào thực tế thấy, bố, mẹ, ông, bà cán bộ đó nghèo, không có tài sản thì có thể cho rằng, giải trình đó không hợp lý không, thưa ông?

- Về mặt luật pháp, không thể nói như vậy. Nhà nước pháp quyền thì phải làm theo luật, không thể cảm tính. Quy định người có nghĩa vụ kê khai, tài sản phải giải trình và họ đã giải trình “tài sản có được do ông, bà, cha mẹ cho”. Nếu không tin thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải chứng minh.

Kể cả thành lập cơ quan chuyên trách về kiểm soát tài sản, thu nhập thì đây thực sự vẫn là một câu chuyện rất khó! Vì cơ quan này cũng không thoát ly được khỏi Hiến pháp và luật.

Mọi việc phải công khai, minh bạch

+ Vậy theo ông làm thế nào để minh bạch, kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, đáp ứng yêu cầu PCTN hiện nay, tránh việc “cán bộ của ta không phải nghèo nhưng kê khai thì rất nghèo”?

- Cái gốc để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là không dùng tiền mặt nữa. Mọi giao dịch, mua bán, thanh toán… đều qua tài khoản ngân hàng thì sẽ rất minh bạch, không dấu được, ai cho ai cái gì, ai biếu ai cái gì đều lộ ra hết.

Ví dụ, anh doanh nghiệp làm ăn A, B, C muốn hối lộ công chức cũng khó mà hối lộ được vì chuyển tiền qua tài khoản sẽ lộ ngay. Chẳng lẽ bê sắt, bê gạch đến xếp đầy nhà cán bộ? Hay cách giải thích “tài sản có được do bố, mẹ cho, bạn bè giúp đỡ”, nếu sử dụng tiền mặt thì rất khó chứng minh, nhưng nếu không dùng tiền mặt nữa, tặng cho, cho vay đều qua tài khoản ngân hàng thì sẽ rất rõ ràng.

Việc thanh toán qua tài khoản, các nước trên thế giời đều đã làm được, tại sao chúng ta không làm được, có khó đâu. Chứ bây giờ chúng ta vẫn là nền kinh tế tiền mặt, vẫn xách cả vali tiền đem đi thì làm sao kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ.

Một vấn đề nữa, muốn chống được tham nhũng, chống được xin - cho, tiêu cực thì yêu cầu phải công khai, minh bạch để người dân giám sát.

+ Xin ông nói cụ thể hơn về vấn đề này, làm thế nào để người dân thực sự giám sát được việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công quyền?

- Hiện nay, hệ thống pháp luật của mình đang có nhiều kẻ hở, mà có khi bịt được chỗ này lại lòi ra chỗ khác. Cho nên, phải giải quyết từ cái gốc thì mới phòng, chống được tham nhũng.

Qua giám sát, tôi thấy, có những công trình ở chỗ này làm 15 - 20 tỷ đồng, chỗ khác làm đến 400 tỷ đồng, chỗ khác nữa làm 70 - 80 tỷ đồng cũng xong.

Hay câu chuyện BOT rõ ràng thiếu sự minh bạch, công khai. Đành rằng, nhà đầu tư bỏ tiền ra phải bảo đảm lợi ích của họ, bên cạnh bảo đảm lợi ích của Nhà nước và người dân. Nhưng họ làm con đường đó bao nhiêu tiền thì không ai biết.

Vừa rồi, vì có rất nhiều ý kiến, nên kiểm toán vào, thanh tra vào mới lộ ra hàng loạt sai phạm. Nếu không làm gay gắt, không có sự phản ứng của các đại biểu Quốc hội, người dân và những người lái xe thì làm sao phát hiện ra loạt sai phạm về BOT.

Ngay như vụ MobiFone mua AVG, một việc đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước thì phải công khai, minh bạch, nhưng tài liệu giao dịch này đóng dấu “mật”, thực hiện bảo mật vụ việc mua bán, không giới hạn về thời gian bảo mật thông tin, thế thì ai biết.

Cho nên, mọi việc phải được công khai, minh bạch. Thực hiện dự án, phải công khai dự án đó làm ở đâu, dự toán thế nào, bao nhiêu tiền, tác động về kinh tế - xã hội như thế nào khi đưa vào sử dụng. Như vậy, người dân mới giám sát được, tại sao dự án này làm 400 tỷ, bỏ ra một đống tiền như vậy mà tác động đến phát triển kinh tế - xã hội không đáng kể thì lãng phí, còn nhiều việc khác cần hơn.

Chứ chỉ một bộ phận biết với nhau, quyết toán không ai biết thì dễ dẫn đến tình trạng tham nhũng, tiêu cực… Còn công khai, minh bạch với con mắt giám sát của người dân, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giải trình khi người dân có ý kiến sẽ khiến cán bộ muốn tham ô, tham nhũng, tiêu cực cũng sợ không dám làm.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hương Giang