Câu hỏi “Vùng cấm”- luôn được đặt ra trong các vụ án, vụ việc tiêu cực có liên quan đến quan chức, cán bộ đảng viên.

Thật ra khi phải đặt ra và trả lời câu hỏi ấy, có nghĩa rằng việc xử lý các vụ việc tiêu cực của chúng ta chưa đủ công khai để thuyết phục được người dân.

Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, có quá nhiều những kỷ lục kinh khủng: Có thí sinh được nâng 26,75 điểm cho 3 môn. Lại có những thí sinh được nâng đến 29,75 điểm. Có tới 500 bài thi được nâng điểm - con số Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo trước Quốc hội. Cả danh sách dài những phụ huynh là cán bộ, đảng viên, thậm chí lãnh đạo địa phương có con em vi phạm, gian lận thi cử.

Và cái đau, gây mất mát niềm tin nhiều nhất lại là đích thân những giám đốc sở nhờ “nâng đỡ” cho người này người khác, lại là những quan chức nhờ vả cho chính con em mình.

Chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trước Quốc hội đã thẳng thắn nhận trách nhiệm và trong những câu chữ, lời lẽ của ông, có chứa trong đó nỗi đau, sự tổn thương của những người làm giáo dục bị vạ lây bởi vài “kẻ xấu”, vài “con sâu”.

“Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm minh. Bộ đã đề nghị các địa phương xem xét, xử lý cán bộ, công chức, viên chức và phụ huynh có hành vi gian lận điểm thi cho con em; cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục cán bộ giáo viên có sai phạm”- lời bộ trưởng.

Và ông thiết tha mong “các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, hỗ trợ ngành giáo dục tổ chức kỳ thi 2019 diễn ra thành công, lấy lại niềm tin của xã hội”.

Khẳng định không có “vùng cấm” trong việc xử lý những tiêu cực, vi phạm cũng tốt. Bởi ít nhất nó giống như một lời hứa, một cam kết với nhân dân, rằng sẽ xử lý sai phạm, bất kể đó là cá nhân nào, giữ chức vụ gì. Một lời hứa về sự thượng tôn pháp luật. Nhưng thật ra, đúng như lời Bộ trưởng Bộ GDĐT, việc xử lý gian lận thi cử của từng thí sinh phải đồng thời với việc xử lý trách nhiệm các công chức, viên chức, và cả các phụ huynh có liên quan. Không ai tự tay “gắp điểm” bỏ tay các vị cả. Thật ra, để không còn câu hỏi “vùng cấm”- bằng việc xử lý nghiêm túc, kiên quyết và công khai minh bạch, đó mới là cách lấy lại một cách vững chắc nhất niềm tin nhân dân, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. 

Theo Đào Tuấn/LĐO