Thiết bị kém chất lượng, gây thiệt hại ngân sách

Trong những ngày gần đây, một trong những thông tin được cả xã hội quan tâm là sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và Bộ công thương để giải quyết hậu quả của 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương.

Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Trần tuấn Anh, các giải pháp nhanh chóng và quyết liệt đã và đang được đưa ra để hạn chế thiệt hại thêm cho ngân sách Nhà nước, đồng thời tìm ra được cơ chế thích hợp để kiểm soát vốn đầu tư của nhà nước một cách hiệu quả hơn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các dự án thua lỗ là thiếu quản lý chặt chẽ trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dẫn đến các thiết bị “kém tin cậy về chất lượng” được đưa vào dự án. 

vu-nha-may-nhiet-dien-song-hau-1-can-tranhvet-xe-do-cua-cac-du-an-lo-nghin-ty-giadinhvietnam.com 1

 

Riêng đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông hậu 1 mà báo Gia đình Việt Nam đã đăng tải cũng cần phải cân nhắc. Bởi liên quan đến dự án này, ngày 13/2/2017 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công Thương theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đề nghị xem xét việc đấu thầu gói thầu M05 - Hệ thống xử lý lưu huỳnh thuộc dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 chọn nhà thầu sử dụng nhiều thiết bị có nguồn gốc Trung Quốc.

Ngay sau đó, Bộ Công thương đã có công văn chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đánh giá lại toàn bộ thiết bị và báo cáo Bộ trước 20/3/2017.

Sự vào cuộc của Bộ Công Thương nhằm tránh cho một dự án có tổng số vốn đầu tư hơn 40 nghìn tỷ đồng khỏi nguy cơ sử dụng thiết bị “kém tin cậy về chất lượng” dẫn đến trục trặc trong quá trình vận hành sau khi đi vào hoạt động và tránh một kịch bản giống như 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng mà Bộ Công thương đang làm đầu mối để xử lý hậu quả.

Vẫn kiến nghị chọn nhà thầu sử dụng thiết bị nguồn gốc Trung Quốc?

Trong việc chọn nhà thầu gói M05 – Hệ thống xử lý lưu huỳnh thuộc dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Ban quản lý dự án điện lực dầu khí sông Hậu 1 đã đưa ra kết luận bằng văn bản nêu rõ, nhà thầu Hamon có nhiều hệ thống thiết bị có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Về phía nhà thầu KC Cottrel, phần lớn thiết bị đều có nguồn gốc từ EU/G7 và Hàn Quốc. Đặc biệt, thiết bị không có bất cứ thiết bị nào có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Với kết quả như trên, đáng lẽ nhà thầu KC Cottrell sẽ là nhà trúng thầu và sẽ không có thiết bị Trung Quốc được cung cấp cho dự án, nhằm đảm bảo chất lượng dự án. 

Tuy nhiên, điều khó hiểu là dù hiểu rõ tình hình thực tế của các nhà thầu nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mới đây tiếp tục có văn bản kiến nghị cho ký kết hợp đồng với nhà thầu Hamon và lý luận là việc lựa chọn nhà thầu có thiết bị Trung quốc là tuân thủ theo hồ sơ yêu cầu. 

Câu hỏi được đặt ra ở đây là “ hồ sơ yêu cầu “này có được xây dựng dựa trên lợi ích cho nền kinh tế nước nhà không? Dư luận đang rất quan tâm đến cách thức Tập đoàn Dầu khí giải quyết sự việc và mong được thông tin đầy đủ để những dự án thua lỗ nghìn tỷ sẽ không tiếp tục xảy ra nữa. Đồng thời, Chính phủ và Bộ Công thương cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc xem xét kiến nghị của Tập đoàn dầu khí.

Thông tin khác liên quan, trong báo cáo của Tập đoàn Dầu khí gửi lên Bộ công thương ngày 24/3/2017, nếu đánh giá đúng theo công văn của Bộ trưởng Trần tuấn Anh ký ngày 9/3/2017 thì nhà thầu KC Cottrel (không chào thiết bị Trung Quốc) có giá đánh giá thấp hơn gần 3 triệu đô la Mỹ so với nhà thầu Hamon (chào 15% thiết bị Trung quốc tương đương khoảng 2 nghìn tấn thiết bị ).

An Nhiên/http://www.giadinhvietnam.com