Sáng ngày 4/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương giải trình một loạt vấn đề “nóng” về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Hành vi tham ô còn dễ phát hiện

Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, một trong những yêu cầu điều tra hiện nay mà Trung ương chỉ đạo là ngoài xử lý tội phạm thì phải thu hồi tài sản; phát hiện các hành vi tham nhũng gắn liền với các vi phạm.

“Tham nhũng hay lẩn vào các vụ án kinh tế, có vi phạm về kinh tế mới tham nhũng được. Nên tội phạm kinh tế và tham nhũng thường gắn với nhau”, ông Vương nói.

Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, rất khó điều tra hành vi tham nhũng. Trong tham nhũng thì hành vi tham ô còn dễ phát hiện hơn vì liên quan đến sổ sách lấy tiền ra chia nhau.

“Còn chuyện đưa - nhận hối lộ là rất khó khăn. Vụ Mobifone mua AVG, lực lượng điều tra hết sức cố gắng mới tra ra được. Vì xung quanh chuyện đưa tiền này chỉ có người đưa, người nhận, chỉ anh biết, tôi biết, trời biết, ngoài ra không ai biết cả, nên rất khó. Nhưng cũng phải nói là các đối tượng rất thành khẩn chứ nếu không cũng khó”, ông Vương thông tin.

Cũng theo Thượng tướng, trong đấu tranh chống tội phạm tham nhũng thì đã có chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nên sẽ tập trung, nhất là hành vi tham nhũng “vặt” mà như chúng ta nói là không vặt.

Liên quan đến vi phạm trong hoạt động điều tra, Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận, thời gian qua đã có việc cán bộ điều tra vi phạm.

“Chúng tôi nhận thấy, trong lực lượng công an cũng có một số trường hợp vi phạm, điển hình như trường hợp Trưởng Công an TP Thanh Hoá Nguyễn Chí Phương thì chính lực lượng công an chủ động ngăn chặn, phát hiện làm rõ và một vài vụ khác nữa”.

Theo ông Vương, Bộ Công an sẽ nghiêm túc chỉ đạo chấn chỉnh các hoạt đồng điều tra, không để vi phạm, tham gia, làm sai lệch hồ sơ, tiếp tay cho tội phạm.

Khi nào vụ Vũ “nhôm” liên quan đến dự án Đa Phước xử lý?

Là đại biểu Quốc hội của TP Đà Nẵng, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Bá Sơn nêu câu hỏi: Vụ Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) phần liên quan đến dự án Đa Phước đến lúc nào thì mới xử lý được?

“Tôi nhận uỷ thác của Bí thư Thành uỷ đề nghị các đồng chí quan tâm đến vụ này, sớm giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho Đà Nẵng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP thời gian sắp tới”, ông Sơn nói.

Về nội dung này, Thứ trưởng Công an cho hay, các vi phạm của Phan Văn Anh Vũ liên quan đến một số cán bộ Đà Nẵng đã điều tra kết thúc. Thời gian tới sẽ đưa ra xét xử.

“Riêng 181ha đất của Đa Phước, vừa rồi Thanh tra Chính phủ mới có kết luận. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các ngành Nội chính cùng Thanh tra Chính phủ họp bàn giải quyết nốt vấn đề này”, Thượng tướng cho biết.

Tại phiên họp, ông Vương cũng làm rõ chuyện hơn 1.070 trường hợp tạm giữ hình sự nhưng không xử hình sự mà xử lý bằng hình thức khác. Theo Thứ trưởng, những đối tượng này thông thường trong diện: Đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý. Như vụ đánh bạc, vừa qua bắt rất nhiều ở các địa phương, có vụ phải sử dụng lực lượng cảnh sát cơ động, tạm giữ gần 100 người, vụ ít cũng 50, 70 người.

“Quá trình bắt giữ, tất cả các đối tượng có mặt đều tạm giữ, khẩn trương để phân hoá. Có một số đối tượng chưa rõ về lai lịch, hành vi tham gia đánh bạc nên cần tạm giữ hình sự, sau khi làm rõ trong vòng 2-3 ngày thấy chưa đủ yếu tố cấu thành tội đánh bạc”, ông Vương phát biểu.

Ngoài ra, xung quanh vụ đánh bạc thì đối tượng hoạt động lưu động như có đối tượng từ Bắc Ninh lên đánh bạc ở Yên Bái, Lào Cai…

“Chúng tôi sẽ cho phân tích số liệu này gửi đến Uỷ ban Tư pháp. Còn vấn đề xác định có oan sai không thì xác định chưa có oan sai”, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Hương Giang