Chiều 20/12, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), trong vòng gần 1,5 tiếng, bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tự trình bày phần bào chữa của mình, tự cho rằng hành vi của bị cáo chưa đến mức như cáo trạng truy tố.

Tự bào chữa tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Bắc Son giải trình về một số nội dung nêu trong bản cáo trạng và bản luận tội của Viện Kiểm sát. Bị cáo Nguyễn Bắc Son đồng ý với tội danh truy tố của cáo trạng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo cũng trình bày một số tình tiết giảm nhẹ cho bản thân và cho rằng mình không đôn đốc, chỉ đạo thực hiện dự án MobiFone mua AVG một cách quyết liệt như trong cáo trạng nêu. Vì vậy, bị cáo đề nghị Viện Kiểm sát xem xét, đánh giá lại chứng cứ. Trên cơ sở đó, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Cụ thể, trong thương vụ MobiFone mua AVG, ngày 1/10/2015, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã trực tiếp viết "Thư công tác" ngày 1/10/2015 gửi Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông), mục đích muốn chỉ đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp làm việc với MobiFone và AVG liên quan đến giá mua, cổ phần mua của AVG để làm sao MobiFone mua được cổ phần dịch vụ truyền hình của AVG.

Về nội dung này, bị cáo Nguyễn Bắc Son cho rằng, khi nhận được văn bản của MobiFone xin đầu tư mua 95% cổ phần của AVG, bị cáo thấy MobiFone vẫn mua 2 mảng ngoài truyền hình, nên bị cáo đã viết thư gửi Vụ Quản lý doanh nghiệp để giao nhiệm vụ cho Vụ này làm việc với 2 bên đề nghị AVG thoái vốn 2 mảng này ra khỏi hợp đồng mua bán. Đồng thời, bị cáo cho rằng "Thư công tác" của bị cáo không hề nhắc đến giá mua, mà chỉ yêu cầu giảm giá chứ không thống nhất giá mua và cũng không có ủy quyền cho Vụ ký. Như vậy, theo bị cáo Nguyễn Bắc Son, bị cáo Phạm Đình Trọng (Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp) tự thống nhất với AVG và MobiFone giá mua.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son viện dẫn việc bị cáo Phạm Đình Trọng lấy danh nghĩa Bộ Thông tin và Truyền thông ký biên bản ngày 2/10/2015 với 2 bên mà không được bộ trưởng ủy quyền là không đúng quy định, dẫn đến MobiFone hiểu lầm rằng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng ý nên MobiFone không tiếp tục đàm phán theo tinh thần giảm giá tối đa nữa.

“Sau khi Phạm Đình Trọng ký, không báo cáo với lãnh đạo Bộ. Nếu biết, tôi đã yêu cầu bỏ đi và yêu cầu MobiFone tiếp tục đàm phán giá” – bị cáo Nguyễn Bắc Son nói.

Trên cơ sở đó, bị cáo Nguyễn Bắc Son mong được giám định "Thư công tác" nói trên để làm rõ, đánh giá đúng sự thật, vì bị cáo cho rằng đây là nội dung đặc biệt quan trọng.

Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Bắc Son còn cho rằng mình không phải là người đề xuất, định hướng cho MobiFone mua AVG. Theo đó, từ đề xuất của MobiFone muốn đầu tư dịch vụ truyền hình bằng hình thức mua cổ phần một công ty có sẵn và trong công văn nêu rõ: “MobiFone đã chuẩn bị đầy đủ vốn, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý để khẩn trương triển khai dự án,” bị cáo Nguyễn Bắc Son đã có bút phê chuyển Vụ Quản lý doanh nghiệp xem xét, đề xuất, chứ không đôn đốc triển khai thực hiện ngay trong năm 2015.

Vu MobiFone mua AVG: Cac bi cao xin xem xet them tinh tiet giam nhe hinh anh 2Quang cảnh phiên tòa chiều 20/12. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo cáo trạng, ngày 1/10/2015, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son tại "Thư công tác" thể hiện: Nguyễn Bắc Son tán thành việc MobiFone giao dịch mua hệ thống truyền hình của AVG, đồng thời cũng chỉ đạo MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, bao gồm cả khoản đầu tư bất động sản, khoáng sản, tuy nhiên khoản đầu tư ngoài truyền hình sẽ được xác định là 0 đồng.

Ngày 2/10/2015, Phạm Đình Trọng đã tiến hành họp với đại diện MobiFone và AVG, thống nhất giá mua là 8.898,3 tỷ đồng tương đương 95% cổ phần của AVG theo nguyên trạng (trong đó, bao gồm cả phần vốn góp của AVG tại Công ty An Viên B.P và Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh mà cổ đông AVG sẽ để lại AVG và không tính tiền).

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Phan Thị Hoa Mai (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone) cho biết, quá trình tham gia dự án, bị cáo tin tưởng về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Ban Tổng Giám đốc MobiFone trong việc lập dự án, khảo sát đánh giá các mặt hoạt động kinh doanh, kỹ thuật của AVG.

Hơn nữa, bị cáo thấy đây là dự án đầu tư rất lớn, được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như sự hướng dẫn của các bộ, ngành khác về đầu tư, về giá và về lĩnh vực an ninh quốc gia, vì thế bị cáo rất tin tưởng về việc tuân thủ các quy định pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như của Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone trong quá trình thực hiện quy trình dự án.

Bào chữa cho bị cáo Phan Thị Hoa Mai, luật sư Phùng Thị Thanh Vân phân tích, với vai trò trách nhiệm là thành viên Hội đồng thành viên tham dự các cuộc họp và thống nhất biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên, bị cáo Phan Thị Hoa Mai tham gia dự án thông qua các buổi họp của Hội đồng thành viên do Chủ tịch Hội đồng thành viên triệu tập và chủ trì.

Tại nhiều cuộc họp, bị cáo Phan Thị Hoa Mai đã đưa ra ý kiến đề nghị MobiFone thận trọng trong xem xét, cũng như đề nghị AVG cân nhắc giảm giá để giảm bớt sự khác biệt lớn giữa kết quả định giá của tư vấn cũng như giá đề xuất của AVG so với giá trị tài sản của AVG ghi trên sổ sách kế toán.

Bị cáo Phan Thị Hoa Mai cũng đề nghị thực hiện kiểm toán trước khi ký hợp đồng mua cổ phần AVG để có thêm cơ sở đánh giá về tài chính của AVG và tăng thêm sự cẩn trọng trong triển khai đầu tư dự án. Tuy nhiên, các ý kiến của bị cáo Phan Thị Hoa Mai đã không được đề cập đến trong kết luận các cuộc họp.

Từ một số quan điểm lập luận trên, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo Phạm Thị Hoa Mai được hưởng án treo.

Đối với bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone), luật sư Nguyễn Trường Thành cho rằng, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên luôn có ý kiến không đồng thuận với các quyết định, đỉnh điểm là 3 lần không đồng ý việc thanh toán 5% còn lại của hợp đồng, tiền đề dẫn đến việc hủy bỏ hợp đồng, thu hồi toàn bộ vốn, lãi cho Nhà nước. Phản ứng của bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên lúc đó còn bị Ban Tổng Giám đốc MobiFone đưa ra họp kiểm điểm kỷ luật.

Luật sư Nguyễn Trường Thành cho rằng, việc bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên 3 lần không đồng ý việc thanh toán 5% còn lại của hợp đồng đã chứng minh bị cáo tự mình không thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, mặc dù không có gì ngăn cản. Do đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên.

Ngày 21/12, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận./.

Kim Anh-Nguyễn Cúc (TTXVN/Vietnam+)