Việt Nam sẽ sát cánh cùng các quốc gia thành viên thực hiện tốt các chương trình của Sáng kiến

Tại cuộc họp về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh và cuộc họp Mạng lưới liêm chính công lần thứ 3, các nước trong khu vực đã cùng nhau thảo luận, xem xét kỹ vấn đề thực trạng tham nhũng và PCTN trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với các góc nhìn khác nhau từ phía doanh nghiệp, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan giám sát, kiểm toán và PCTN. Tuy nhiên, các góc nhìn đó đều cùng một hướng là xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính và một xã hội tốt đẹp.

Tại phiên bế mạc Hội nghị, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nhấn mạnh: “Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đã có cái nhìn tổng quan về tình hình và những nỗ lực PCTN của các quốc gia thành viên và vùng lãnh thổ. Sáng kiến trong các dự án cơ sở hạ tầng đã xác định được những khó khăn, thách thức để từ đó thống nhất đề ra những chiến lược, giải pháp PCTN đầy đủ, toàn diện trong đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, qua đó góp phần vào những thành tựu chung trong phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.

Bên cạnh đó, cùng với kết quả của hai cuộc họp về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh và Mạng lưới liêm chính công, phiên thảo luận cấp cao cũng đã giúp các nước xác định rõ nét hơn định hướng hành động trong giai đoạn tiếp theo về PCTN trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực.

Đặc biệt, tại cuộc họp Ban điều hành lần thứ 23, các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên cũng đã rà soát, đánh giá việc thực hiện Chương trình công tác giai đoạn 2018-2020 của Sáng kiến, thảo luận về các nhu cầu tăng cường năng lực và thống nhất cơ bản về định hướng công tác năm 2020 và giai đoạn tiếp theo. Phía Việt Nam cũng khẳng định sẽ sát cánh cùng với Ban Điều hành Sáng kiến và các quốc gia /vùng lãnh thổ thành viênthực hiện tốt các chương trình công tác của Sáng kiến trong thời gian tới, góp phần tăng cường hiệu quả công tác PCTN trong khu vực và thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự Liên hợp quốc.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Hiện nay, tại Việt Nam, phát triển cơ sở hạ tầng và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững luôn là hai yếu tố song hành, mang tính sống còn, then chốt và trung tâm trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua các giai đoạn phát triển.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, Việt Nam coi đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc đạt được mục tiêu phát triển đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong thời gian tới, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030 nhằm hoàn hiện hệ thống kết cấu hạ tầng, khắc phục điểm nghẽn, để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Về các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam coi đây là định hướng cho hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền trên tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Với tư cách là quốc gia thành viên, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và  ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể, kèm theo hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu.

Trong quản lý và điều hành, Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm hướng tới xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân trong xã hội vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như đẩy mạnh cải cách hành chính để xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực thi triệt để các phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được phê duyệt; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Bên cạnh đó, tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy Nhà nước; xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền thông minh và nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công; triển khai xây dựng Cổng Dịch vụ công Quốc gia với mục tiêu hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Vì vậy, tại Hội nghị khu vực lần thứ 10, Sáng kiến PCTN châu Á - Thái Bình Dương, các chuyên gia tham dự đã thống nhất, việc PCTN trong các dự án cơ sở hạ tầng đòi hỏi sự tham gia chủ động và quyết liệt của toàn xã hội. Đồng thời, để tăng cường tính liêm chính trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, góp phần hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững ở khu vực, cần quan tâm bổ sung chế tài kiểm tra, giám sát quy trình triển khai dự án.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, để PCTN trong các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, trước hết cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bổ sung chế tài đủ mạnh để xóa bỏ hành vi "bôi trơn" trong thực hiện các giao dịch liên quan đến lĩnh vực này, xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (ngồi thứ 5 từ trái sang) và Tổng Thanh tra Lê Minh Khái (ngồi thứ 6 từ trái sang) chụp lưu niệm cùng đại diện các cơ quan đồng tổ chức Hội nghị. Ảnh: TH

 

Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong công cuộc PCTN

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao các hoạt động hợp tác của Sáng kiến, đồng thời đã khẳng định: Các chuyên gia Việt Nam khi tham gia vào các phiên họp, phiên thảo luận tại Hội nghị đã chia sẻ, chuyển tải thông điệp đến các bạn quốc tế, các đối tác phát triển về quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam cùng đồng hành và cam kết với các quốc gia trong khu vực tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng; thúc đẩy các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng, hối lộ; qua đó tạo tiền đề vững chắc cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đã được thông qua trong Chương trình nghị sự 2030.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho biết, kế thừa kết quả đã đạt được, thời gian tới sẽ giao Thanh tra Chính phủ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Sáng kiến để tổng hợp, nghiên cứu những kinh nghiệm thực tiễn tốt, những sáng kiến hay, sáng tạo đã được chia sẻ, thảo luận tại Hội nghị lần này về nâng cao hiệu quả đầu tư, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng, hối lộ trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; tăng cường hợp tác PCTN trong các lĩnh vực quan trọng giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Sáng kiến; đóng góp chủ động, có hiệu quả và thiết thực vào các nỗ lực, hoạt động hợp tác chung trong khuôn khổ của Sáng kiến.

Cũng tại đây, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã thể hiện cam kết Thanh tra Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện nhằm đạt được kết quả tốt nhất trong PCTN trong thời gian tới, cũng như tăng cường hợp tác hiệu quả với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khuôn khổ Sáng kiến.

“Tôi tin tưởng rằng, thành công của Hội nghị không chỉ thể hiện ở việc chúng ta đã cùng nhau ghi nhận những nỗ lực PCTN của các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viêncủa Sáng kiến, đồng thuận đưa ra những giải pháp đồng bộ, toàn diện và mang tính chiến lược về PCTN trong đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Hội nghị còn là cơ hội để làm sâu sắc thêm quan hệ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổthành viên của Sáng kiến và các đối tác phát triển quan trọng”, Tổng Thanh tra nói. 

Phó Tổng Thư ký OECD, ông Jeffrey Schlagenhauf, đánh giá cao Việt Nam có cam kết mạnh trong thực hiện chính sách liêm chính, chống tham nhũng và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong công cuộc PCTN, tiêu cực, đây là công cụ rất tốt để Việt Nam nâng cao năng lực quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đặc biệt là sự kiện Thanh tra Chính phủ Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Khu vực lần thứ 10 của Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương với những nội dung trao đổi, thảo luận trong các phiên họp về những chính sách, công cụ tại từng quốc gia, khu vực khác nhau sẽ góp phần đem đến những thành tựu mới về công cuộc đấu tranh PCTN trong tương lai.

Phó Tổng Thư ký OECD hi vọng trong những năm tới, Chính phủ Việt Nam, cũng như các quốc gia thành viên sẽ có thêm nhiều chính sách, sáng kiến để Sáng kiến Chống tham nhũng ngày càng bền vững, góp phần tạo nên nền văn hoá chống tham nhũng không chỉ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên toàn thế giới.

Tiếp xã giao nhiều đoàn đại biểu tới tham dự Hội nghị

Trong khuôn khổ Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến Chống tham nhũng châu Á-Thái Bình Dương, ngày 5/12/2019, tại Hà Nội, Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái đã tiếp xã giao Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ông Jeffrey Schlagenhauf.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái tiếp Phó Tổng Thư ký OECD. Ảnh: TH

 

Trước đó, ngày 3/12/2019, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã tiếp xã giao Nhóm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc do bà Vương Huy, Cục phó Cục Hợp tác Quốc tế làm Trưởng đoàn.

Cùng thời gian, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đã có buổi tiếp song phương với Cơ quan Điều tra hành vi tham nhũng Singapore (CPIB) do ông Phua Meng Geh, Phó Giám đốc làm Trưởng đoàn.

Chiều ngày 5/12/2019, tại Hà Nội, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đã tiếp song phương Phó Tổng công tố viên, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Chống tham nhũng của Văn phòng công tố Cộng hòa Azerbaijan, ông Kamran Aliyev.

Ngày 6/12/2019, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đã chủ trì tiếp xã giao Đoàn Đại biểu Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) do ông EUY-WHAN KIM, Ủy viên, làm Trưởng đoàn.

Hội nghị Khu vực lần thứ 10, Sáng kiến PCTN khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 3/12 đến ngày 7/12 do Thanh tra Chính phủ Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội, bao gồm cuộc họp về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, cuộc họp Mạng lưới liêm chính công lần thứ ba, cuộc họp Ban điều hành Sáng kiến lần thứ 23, Phiên họp cấp cao của Hội nghị, đều diễn ra thành công tốt đẹp. 

Thái Hải