+ PV: Ông đánh giá môi trường kinh doanh ở Việt Nam như thế nào?

- Việt Nam là thị trường sôi động với tăng trưởng GDP mạnh. Đầu tư nước ngoài là một nguồn đáng kể của sự tăng trưởng đó, được củng cố bởi một lực lượng lao động lớn, trẻ tuổi và năng động.

Tuy nhiên, tham nhũng vẫn là một trở ngại và nó đang làm cho đất nước chưa phát huy được đầy đủ tiềm năng của mình.

Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã chứng kiến ​​một nỗ lực chống và xử phạt tham nhũng tích cực, rất đáng hoan nghênh từ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Từ năm 2016, Dự thảo Luật PCTN mới đã được thảo luận để tạo khung pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi tốt hơn cho nỗ lực PCTN. Chính phủ nhận thức được rằng, công việc kinh doanh phát triển mạnh trong một môi trường kinh doanh minh bạch và cần phải sử dụng các công cụ pháp lý mạnh mẽ để giúp đạt được điều đó.

+ PV: Dự thảo Luật PCTN (Sửa đổi) đã mở rộng phạm vi của Luật sang khu vực ngoài Nhà nước. Theo ông, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường kinh doanh của Việt Nam?

- Việc mở rộng phạm vi của Luật PCTN sang khu vực tư nhân là một điều tốt và hy vọng sẽ có tác động tích cực. Khu vực tư nhân đại diện cho bên cung của tham nhũng và đó là một khu vực thường thiếu sự chú ý.

Hầu hết các công ty tư nhân đều hiểu rằng, họ cần phải là những người tham gia một cách chủ động và tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng và họ sẵn sàng làm phần việc của họ.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp phải cẩn trọng, không áp đặt các nghĩa vụ quá nặng nề đối với các công ty tư nhân. Các nhà lập pháp cần nhận thức rằng, đại đa số doanh nghiệp tư nhân là chủ động tham gia tích cực và việc áp đặt các nghĩa vụ hành chính cồng kềnh, quan liêu là phản tác dụng.

+ PV: Theo ông, việc mở rộng này nên đáp ứng những tiêu chí nào để thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức và doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế?

- Việt Nam không cần phải tái tạo lại bánh xe trong lĩnh vực này. Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia khác, những nước đã phải đối mặt với các vấn đề tương tự và xây dựng các quy tắc và quy định để giải quyết chúng.

Việt Nam cũng nên cố gắng dự đoán những thay đổi sẽ xảy ra. Ví dụ, chúng ta thấy ngày càng có nhiều công ty lớn sẽ chỉ kinh doanh với các đối tác có thể chứng minh rằng họ làm kinh doanh với tính liêm chính. Điều quan trọng đối với các công ty ở Việt Nam muốn tham gia vào các thị trường toàn cầu là nhận thức và chủ động về điều này.

+ PV: Phòng ngừa tham nhũng không chỉ là vấn đề cho mỗi quốc gia mà còn là một vấn đề toàn cầu; không chỉ đối với Nhà nước mà còn đối với toàn xã hội, trong đó có các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc chiến chống lại vấn đề này. Vì vậy, các doanh nghiệp nên làm gì, thưa ông?

- Có một loạt sáng kiến ​​mà các doanh nghiệp có thể tham gia. Ở mức tối thiểu, các doanh nghiệp nên áp dụng một cách tiếp cận không khoan nhượng đối với tham nhũng. Điều này bao gồm việc có các chính sách tố cáo hành vi tham nhũng rõ ràng và nhanh chóng, các quy trình chống và xử phạt tham nhũng nội bộ. Họ cũng có thể tiến thêm một bước nữa và đưa ra quyết định chỉ kinh doanh với các đối tác chứng minh có cùng cam kết và hành động.

+ PV: Dự thảo Luật PCTN bao gồm các quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp và các tổ chức ngoài Nhà nước trong PCTN. Ông vui lòng cho biết, VBF đã sắp xếp các hoạt động và biện pháp nào để giúp cộng đồng doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng nếu Dự thảo Luật được thông qua?

- Nhóm Công tác Quản trị và Liêm chính của VBF đã điều phối các thành viên của mình phản hồi và góp ý để giúp Chính phủ xây dựng Dự thảo Luật có giá trị và thiết thực.

Chúng tôi đã tham gia các cuộc hội thảo tư vấn và các cuộc họp song phương để thảo luận về các vấn đề và trình bày kết quả thảo luận của chúng tôi. Chúng tôi đã may mắn nhận được hỗ trợ mạnh mẽ và sự tham gia của Thanh tra Chính phủ trong suốt quá trình này.

+ PV: Dự thảo Luật quy định các biện pháp PCTN khuyến khích tất cả doanh nghiệp và tổ chức ngoài Nhà nước. Theo ông, việc xây dựng và thực hiện các biện pháp này sẽ giúp gì các doanh nghiệp trong phong trào chống tham nhũng và hối lộ?

- Hiện chúng tôi chưa thấy sự tác động. Đã có một cuộc thảo luận lớn về cách cân bằng các nghĩa vụ của khu vực tư nhân để chống tham nhũng mà không can thiệp quá mức vào các hoạt động bình thường của họ. Trong Dự thảo Luật PCTN mới nhất (ngày 17/8), có vẻ như chúng ta đang gần đạt được sự cân bằng phù hợp. Nếu đạt được sự cân bằng, chúng tôi tin rằng, chúng ta sẽ thấy các doanh nghiệp đóng một vai trò rất có ý nghĩa trong việc phòng ngừa tham nhũng.

+ PV: Theo ý kiến của ông, vai trò của các doanh nghiệp trong việc tham gia vào những thay đổi tích cực dẫn đến sự liêm chính, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mọi khía cạnh của cuộc sống quan trọng như thế nào?

- Không có nghi ngờ rằng các doanh nghiệp có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy những thay đổi tích cực dẫn đến sự liêm chính, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Chúng ta biết rằng, “quyết tâm chính trị” là nền tảng để thúc đẩy sự thay đổi bền vững trong vấn đề này, cùng với sự nêu gương tốt của tập thể lãnh đạo và các công ty lớn của Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ thấy sự thay đổi tích cực.

+ PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Diệu Anh - Ngọc Bích