Tại buổi Hội đàm, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh thay mặt cho Thanh tra Chính phủ (TTCP) Việt Nam chào mừng Ngài Phó Quốc vụ khanh Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập cùng Đoàn thăm và làm việc với TTCP Việt Nam. Đồng thời thông tin, từ năm 1994, TTCP Việt Nam và Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập đã xây dựng quan hệ hữu nghị hợp tác, hai bên định kỳ trao đổi đoàn đại biểu cấp cao để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm công tác thanh tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở mỗi nước.

“Các hoạt động hợp tác giữa hai cơ quan trong thời gian qua đã giúp nâng cao hiểu biết về hoạt động thanh tra, giám sát và PCTN cho cán bộ, công chức của mỗi cơ quan và góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Ai Cập”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Ngài Hamed Abdel Fattah Hememy cùng Đoàn đến thăm Việt Nam vào đúng thời điểm ở Việt Nam đang diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14 của Việt Nam đang được tiến hành; Chủ tịch nước Việt Nam đang chủ trì các hoạt động quan trọng của tuần lễ cao cấp APEC diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6-11/11, nguyên thủ và các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC đã có mặt ở Việt Nam... Ngày 26/10 vừa qua, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định bổ nhiệm ngài Lê Minh Khái giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ ngay khi Quốc hội có nghị quyết phê duyệt.

Phó Tổng Thanh tra tin rằng, chuyến thăm và làm việc lần này của Đoàn, cùng với các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai bên là hoạt động hợp tác thiết thực; làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa TTCP Việt Nam với Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập.

Tại buổi hội đàm, hai bên đã cùng nhau chia sẻ thông tin về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của hai cơ quan cũng như kết quả, kinh nghiệm công tác PCTN và định hướng công tác PCTN của hai nước trong thời gian tới.

Theo ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Chính phủ Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của việc tham nhũng nên Đảng và Chính phủ Việt Nam đề ra nhiều chính sách PCTN. Năm 2006, Quốc hội  ban hành Luật PCTN đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong công tác PCTN; năm 2012, Quốc hội sửa đổi phần lớn những quy định về Luật PCTN; Việt Nam cũng tham gia vào Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và tích cực tham gia hợp tác để PCTN.

Về cơ quan PCTN tại Việt Nam, theo quy định thì các cơ quan hành chính Nhà nước tại Việt Nam đều phải có tổ chức PCTN, trong đó, TTCP giữ vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về PCTN trong phạm vi cả nước, chủ trì các hoạt động của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và hợp tác quốc tế trong PCTN. Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo về PCTN mà Tổng Bí thư là người đứng đầu.

Về định hướng công tác PCTN của Việt Nam trong thời gian tới, ông Tuyển cho biết: Mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng. Nên Việt Nam sẽ tập trung nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm những vụ việc tham nhũng nổi cộm; ưu tiên hoàn thiện thể chế, mở rộng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như kiểm soát tài sản thu nhập, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng; tiếp tục tăng cường năng lực phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng; tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, cơ quan báo chí tham gia vào công tác PCTN.

Tại Hội đàm, Ngài Hamed Abdel Fattah Hememy cũng giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập đó là: Ngăn cản tệ nạn tham nhũng để bảo vệ tài sản Nhà nước; thẩm tra, điều tra với những cán bộ tham nhũng, tham ô trong cơ quan Nhà nước; đưa ra những ý kiến về sửa đổi trong Luật Chống tham nhũng; bắt tội phạm, điều tra những dấu hiệu tham ô trong cơ quan Nhà nước cũng như các dự án đầu tư; điều tra và thẩm tra các vụ tham nhũng liên quan tới cơ quan bộ, ngành, đặc biệt là cơ quan kinh tế; thẩm tra, điều tra các khâu sản xuất của các doanh nghiệp, công ty, tổng công ty; giải quyết các đơn thư khiếu nại của người dân liên quan đến tham nhũng...

Bên cạnh đó, Cơ quan Giám sát Hành chính Ai cập còn có nhiệm vụ quản lý làm minh bạch, công khai để tuyên truyền cho người dân; lựa chọn những thanh niên có trình độ vào làm công việc tại cơ quan, đồng thời lựa chọn cán bộ cho các cơ quan Nhà nước. Qua đó, sẽ tạo lực lượng quan trọng trong công tác  PCTN tại các cơ quan Nhà nước.

“Để thực hiện nhiệm vụ đó, Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, địa phương để tuyên truyền, vận động, giám sát tất cả các hoạt động liên quan tới các nhiệm vụ đó, mở những lớp đào tạo để tuyên truyền luật pháp về PCTN, đặc biệt là thành lập Uỷ ban Quốc gia phối hợp và đề phòng chống tham nhũng. Đối với việc bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan Nhà nước thì trước khi bổ nhiệm, Cơ quan Giám sát Hành chính cần làm rõ hơn về tài chính.  Đồng thời, phối hợp với các  tổ chức quốc tế để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về PCTN…”, Ngài Hamed AbdelFattah Hememy cho hay.

Thái Hải