Ngày 1/12, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Xây dựng về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

“Vi phạm rõ ràng phải xử lý, nhưng lại không có chế tài”

Báo cáo tại đây, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, các đội quản lý trật tự xây dựng đã kiểm tra 16.885 công trình. Qua đó, đã phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 891 trường hợp. UBND cấp huyện, xã đã xử lý vi phạm 713 trường hợp và ban hành 1.086 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 6,78 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, một số công trình vi phạm tồn đọng từ các năm trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công, đất rừng vẫn còn phổ biến.

Một trong những nguyên nhân được Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng đưa ra là do hệ thống pháp luật.

Ông Dũng ví dụ, Nghị định 139/2017 đã giảm thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã khá nhiều, như không được phép cưỡng chế công trình (giờ là thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận/huyện).

Công trình vi phạm có thời gian 60 ngày để hoàn thiện thủ tục, giấy phép trong thời gian bị đình chỉ, nhưng lực lượng giám sát không có nên rất nhiều trường hợp đã bị đình chỉ thì chủ công trình vẫn cố tình xây...

Thêm vào đó, theo ông Dũng, công tác phát hiện ở địa bàn còn rất yếu, để vi phạm lớn mới xử lý và trở thành rất khó xử lý, mà huyện Sóc Sơn là một ví dụ lớn.

Từ thực tế này, ông Dũng đề nghị, TP kiến nghị cơ quan có thẩm quyền phân định rõ chức năng của từng lực lượng trong việc quản lý xây dựng trên đất nông nghiệp và đất rừng để dễ làm; đồng thời cần bổ sung quy định đất nông nghiệp, lâm nghiệp vào các loại đất cấm xây dựng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Việt Trung cũng cho rằng, tồn đọng trong xử lý vi phạm xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp có nguyên nhân do pháp luật xây dựng chưa quy định.

“Vi phạm rõ ràng phải xử lý, nhưng lại không có chế tài. Chưa kể đến xây nhà ở nông thôn lại có quy định miễn phép, nên có sự đan xen giữa miễn phép và cấp phép. Chính điều này có liên quan đến còn việc hơn 5% công trình vi phạm xây dựng chưa xử lý được”, ông Trung đặt vấn đề.

Không quyết liệt thì xử hết năm này qua năm khác cũng không hết

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, công tác xử lý trật tự xây dựng phải quyết liệt, không được chủ quan, vì bất cứ chủ công trình nào cũng đều muốn lấn ra, đua ra ngoài phạm vi được cấp phép.

“Nếu chúng ta lờ đi thì họ đua ra nhiều, còn không lờ đi thì họ đua ra ít”, ông Hải nói.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội cái khó nhất trong công tác quản lý trật tự xây dựng là xử lý công trình vi phạm. Bởi ngay cả việc TP, quận, huyện có xử lý cán bộ buông lỏng quản lý hay xử lý hành chính - xử phạt, thì chủ công trình vẫn cười tươi và tiếp tục vi phạm.

Ông Hoàng Trung Hải lấy ngay ví dụ đến đến vụ vi phạm xây dựng ở đất rừng Sóc Sơn đang được Thanh tra TP Hà Nội làm rõ.

“Như ở Sóc Sơn, huyện xử lý cả cán bộ, xử lý cả hành chính xong, công trình vẫn còn nguyên. Thế là hôm sau công trình lại nhúc nhắc làm tiếp”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói và yêu cầu, các cấp của TP cần phải rà soát các công trình vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 “Nếu chúng ta không làm quyết liệt thì cứ xử lý hết năm này qua năm khác cũng không bao giờ hết”, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa được Bí thư Hà Nội lưu ý, Sở Xây dựng phải đề xuất được cơ chế quản lý chung cư chặt chẽ hơn nữa để không xảy ra tình trạng vi phạm như công trình chưa đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy, thiếu nước vẫn cho dân vào ở.

“Công tác quản lý phải chặt chẽ”, ông Hải yêu cầu và cũng đánh giá cao việc Sở Xây dựng Hà Nội vừa qua đã tổ chức cưỡng chế những công trình vi phạm. Bởi theo ông, TP buộc phải xử lý những công trình này vì nó tác động đến lợi ích của cộng đồng.

H.Giang