Tiền ảo diễn biến phức tạp, bất động sản tiềm ẩn rủi ro

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, năm 2017 là một năm thành công trên tất cả các mặt của nền kinh tế. Sang quý I/2018, tình hình kinh tế - xã hội vẫn giữ được xu thế tích cực, tốc độ tăng GDP ước đạt 7,38%, cao nhất trong các quý I của 10 năm trở lại đây.

Song nhiệm vụ đến cuối năm còn hết sức nặng nề đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải hết sức nỗ lực, khắc phục tình trạng trì trệ trong quá trình thực thi. “Tuyệt đối không hài lòng với những thành công ban đầu”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế nhận định, sự bứt phá về GDP trong quý I/2018 tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại của năm nếu tăng trưởng vẫn định hình như các năm trước, quý sau cao hơn quý trước.

Áp lực lạm phát năm 2018 còn tiềm ẩn. Việc cơ cấu lại ngân sách Nhà nước (NSNN) và nợ công vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thu NSNN không còn nhiều dư địa tăng.  Số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Một số vụ việc liên quan đến ngành Hải quan, Thuế mới đây cho thấy cần sớm có giải pháp quyết liệt để loại bỏ các hành vi nhũng nhiễu, các khoản chi phí không chính thức.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, công tác điều hành tỷ giá và lãi suất vẫn phải đối mặt với những diễn biến khó lường do tác động từ chính sách tiền tệ của một số nước lớn, tình hình chính trị trên thế giới.

“Tình trạng sử dụng tiền điện tử, tiền ảo diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải xây dựng khung pháp lý để quản lý. Một số quỹ tín dụng nhân dân hoạt động chưa hiệu quả, yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật đã và đang được kiểm soát đặc biệt, từng bước xử lý bảo đảm an toàn hệ thống”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý.

Thêm vào đó, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tại một số địa phương, nhất là các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đất đột biến trước những thông tin về cơ chế, chính sách mới đang được QH xem xét, quyết định…

Năng suất lao động thua cả Lào, Campuchia

Ấn tượng với những kết quả đã đạt được, cũng như nỗ lực của Chính phủ, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội bày tỏ lo lắng khi năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực với mức chênh lệch ngày càng gia tăng.

“Năng suất lao động của chúng ta chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% Malaysia; 36,5% của Thái Lan và bằng 87,4% của Lào. Theo báo cáo thường niên kinh tế 2018 vừa công bố, năng xuất lao động 3 ngành “lõi” của Việt Nam là “công nghiệp chế biến chế tạo”, “xây dựng”, “vận tải, kho bãi, truyền thông” cũng xếp sau Campuchia… Đây là điều rất đáng suy nghĩ”, ông Giàu nói.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, thời gian qua, Chính phủ phản ứng khá nhanh, kịp thời và có phương án xử lý, chỉ đạo cụ thể các vấn đề nóng của xã hội. Việc công khai các kết luận thanh tra như vụ Mobifone mua AVG, công khai phương hướng xử lý 12 dự án thua lỗ, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) làm rất tốt, đưa lại hiệu ứng tích cực.

Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Như tình trạng cháy nổ rất nghiêm trọng khi 4 tháng qua, có 1.400 vụ cháy nổ làm 54 người chết và gần 150 người bị thương. “Người dân ở khu chung cư rất lo lắng, chung cư 5-6 tầng còn chạy được chứ 25-30 tầng khó có thể chạy… Đề nghị Chính phủ phải có phương án bảo đảm an toàn cho người dân", bà Nga nói.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho hay, người dân đã từng nêu rõ nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại sẽ rất cao. “Tôi đọc kiến nghị cử tri ở TP Hồ Chí Minh thấy họ đã đề cập đến vấn đề này từ cuối năm ngoái, nếu mà tổ chức kiểm tra, rà soát sớm và làm tốt thì có thể tránh được những vụ cháy nghiêm trọng như vụ cháy chung cư Carina", bà Hải nêu.

Theo bà Hải, ngay cả thị trường thiết bị phòng, chống cháy nổ cũng chưa được kiểm soát tốt. Vừa qua cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra tại một chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, có thiết bị phòng, chống cháy nhưng khi thử đốt tại tầng hầm với nhiệt độ 300 độ C, hệ thống cảnh báo, vòi nước cứu hoả đều không hoạt động.

Tội phạm làm người dân bất an

Một vấn đề khác, tình hình tội phạm hình sự, ma túy, công nghệ cao diễn ra phức tạp. Theo bà Nga, đáng lưu ý tội phạm công nghệ cao xảy ra ngay tại cơ quan có chức năng chống tội phạm công nghệ cao. Đây là việc nghiêm trọng.

"Các vụ án đang được xử lý nhưng cần phải đánh giá lại xem tại sao, cách quản lý thế nào. Trước đây chúng ta nói tham nhũng nằm ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, giờ tội phạm công nghệ cao lại nằm trong cơ quan có chức năng chống tội phạm công nghệ cao. Vì vậy đề nghị Chính phủ phải làm rõ, xử lý, trách nhiệm các cơ quan như thế nào", bà Nga nhấn mạnh.

Nhắc đến vụ việc các “hiệp sĩ” bị các đối tượng ăn trộm xe máy tấn công gây thương vong vừa xảy ra ở TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nhận định, "tình hình tội phạm đang khiến nhân dân rất bất an".

Ông Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, tình hình khiếu kiện, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp. Trong xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết kịp thời. Nhưng có tỉnh, 6 tháng Chủ tịch tỉnh mới tiếp dân được 1 lần, dù luật quy định các Chủ tịch tỉnh phải tiếp dân mỗi tháng một lần.

"Tôi hỏi tại sao không tiếp dân thì được trả lời là Chủ tịch đợi dân đăng ký gặp thì mới tiếp. Đây là quy định của luật, Chủ tịch tỉnh phải có lịch tiếp dân mỗi tháng 1 lần và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử. Đề nghị Chính phủ nhắc nhở, đôn đốc việc này", Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Cần báo cáo đậm nét về chống tham nhũng, quản lý tài sản công

Theo đánh giá của Chính phủ, công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt, thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân.

Nhấn mạnh những vấn đề cần đánh giá cụ thể hơn, Uỷ ban Kinh tế nêu rõ, quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự.

“Cần báo cáo đậm nét hơn về công tác PCTN, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, lãng phí; bài học rút ra và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, trong quản lý tài nguyên, nguồn lực của đất nước. Đề nghị, tính toán tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP để cảnh báo đầy đủ về thực trạng này”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, xem lại quản lý tài sản công và đất công, nhất là ở các TP lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... "Phải kiểm tra, rà soát, qua những vụ chuyển nhượng trái phép, bán, chỉ định để Chính phủ rút ra điều gì trong quản lý tài sản công, đất công", bà Nga nói và đề nghị, Chính phủ đẩy nhanh xây dựng nghị định về quản lý vốn tài sản Nhà nước.

Thời gian tới, theo Ủy ban Kinh tế, cần tiếp tục cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung cắt giảm các thủ tục hành chính thực chất, mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, xuất nhập khẩu, giao thông. Công khai, minh bạch quy trình, thủ tục và xử lý các sai phạm, loại bỏ các chi phí không chính thức, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”.

 


Hương Giang