Đánh giá nơi nào làm tốt, nơi nào không làm tốt là vấn đề khó

Trình bày một số ý kiến của Nhóm Nghiên cứu về báo cáo công tác PCTN, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, năm 2018, số lượng bản kê khai là rất lớn (hơn 1,1 triệu bản), nhưng chỉ xác minh được 44 người/1.136.902 người đã kê khai.

Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm (giảm 56,4% so với năm 2017). Kết quả xác minh phát hiện có 6 trường hợp vi phạm, tăng 1 trường hợp so với năm 2017.

“Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định nhưng không bị kỷ luật... “, ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, thực trạng việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua cho thấy, việc tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém, nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng không bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những địa chỉ còn "hạn chế" trong công tác PCTN.

"Đặc biệt rất mong Thanh tra Chính phủ làm rõ việc có hơn 1,1 triệu trường hợp kê khai tài sản chưa được xác minh thì tỉ lệ vi phạm sẽ là bao nhiêu? Vì chỉ xác minh 44 trường hợp thì đã phát hiện 6 người vi phạm", bà Thuỷ đặt vấn đề.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Bá Sơn (Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng), xác minh 44 trường hợp, phát hiện 6 trường hợp sai phạm là tỷ lệ khá cao.

“Điều này đặt ra dấu hỏi, hình như lẩn khuất đằng sau còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Có bao nhiêu sai phạm trên tổng số hơn 1 triệu bản kê khai này”, ông Sơn cho rằng, cần phải có thái độ chủ động hơn trong vấn đề này. Có nghĩa, khi thấy có biểu hiện bất minh về tài sản thì cần chủ động xác minh.

Làm rõ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, đánh giá công tác PCTN của các bộ, ngành, địa phương, nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt là vấn đề hết sức khó vì mỗi bộ, ngành, địa phương có đặc điểm khác nhau.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có nghiên cứu kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc để đưa ra Bộ Chỉ số đánh giá cấp tỉnh. Bộ Chỉ số này đưa ra thang 100 điểm với 4 nhóm (quản lý Nhà nước, phòng ngừa, phát hiện, xử lý).

“Bộ Chỉ số đã đánh giá năm 2016 và 2017 thì hoàn thiện hơn. Chúng tôi đang hướng dẫn các địa phương và rà soát lại kết quả để 63 tỉnh, thành có sự thống nhất trong đánh giá. Trên cơ sở đó mới đánh giá được địa phương làm tốt ở mặt nào. Nếu làm tốt các tỉnh thì dần dần sẽ tiến hành đánh giá ở các bộ, ngành để đáp ứng được yêu cầu”, Tổng Thanh tra nói.

Còn liên quan đến việc xác minh tài sản, thu nhập, theo Tổng Thanh tra phải thực hiện theo quy định tại Điều 47 Luật PCTN hiện hành.

“Khi có căn cứ như có tố cáo, có dấu hiệu… theo quy định của Luật PCTN hiện hành thì cơ quan có thẩm quyền mới tiến hành xác minh. Trong hơn 1 triệu bản kê khai, khi có căn cứ, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh 44 trường hợp, xử lý được 6 trường hợp. Còn không có căn cứ thì các cơ quan chức năng sẽ không tiến hành xác minh”, ông Lê Minh Khái lý giải.

Quản lý cán bộ cấp dưới không được, người đứng đầu phải từ chức?

Theo báo cáo, năm 2018 có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

ĐBQH Vũ Trọng Kim đặt vấn đề: Trách nhiệm của người đứng đầu là phải quản lý được cán bộ dưới quyền mình.

ĐBQH Vũ Trọng Kim

“Quản lý không được thì phải chịu trách nhiệm. Đúng ra, anh phải tự nguyện từ chức mới đúng vì cơ quan anh sinh ra quá nhiều vấn đề phức tạp, phiền toái cho nhân dân”, ông Kim nói.

Theo ông Kim, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn chưa rõ, “nhẹ quá”, trong khi Luật PCTN đã đặt vấn đề này. Cho nên, bây giờ phải tích cực làm sao để có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa đối với người đứng đầu.

Tổng Thanh tra nhấn mạnh, Luật đã quy định rõ người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

“Tuy nhiên, Luật cũng có quy định trường hợp loại trừ trách nhiệm. Đó là, người đứng đầu không thể biết được có hành vi tham nhũng hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng”, ông Lê Minh Khái cho hay.

Tại cuộc họp, Tổng Thanh tra cũng cho hay, trong báo cáo mà Thanh tra Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng ký ban hành đã có những đánh giá về tình hình tham nhũng.

“Với quyết tâm cao, làm quyết liệt thì công tác PCTN từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”, ông Lê Minh Khái nói và cho rằng, còn phát hiện vụ việc với tình hình tham nhũng là khác nhau. Chúng ta tăng cường, đẩy mạnh công tác PCTN thì sẽ phát hiện nhiều vụ việc. Và có thể những vụ phát hiện là từ năm 2016 và những năm trước đó.

“Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, của Quốc hội, Chính phủ và với kết quả phát hiện, xử lý vừa rồi sẽ có tác dụng răn đe thì chắc chắn tình hình sẽ được kiềm chế, thuyên giảm”, Tổng Thanh tra chốt lại.

Điều 47. Xác minh tài sản (Luật PCTN)

1. Căn cứ để xác minh tài sản bao gồm:

a) Khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai;

b) Khi xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản;

c) Khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý;

d) Khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quy định…

Hương Giang