Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiện hành quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập là cơ quan quản lý cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản.

Lý lẽ lo tăng biên chế, bộ máy “phình” chưa thuyết phục

Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội), lý do cơ quan soạn thảo đề xuất phương án giao chức năng chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước rất thuyết phục.

“Tôi nhất trí giao cơ quan Thanh tra là đầu mối thực hiện chức năng kiểm soát tài sản thu nhập”, ông Cường nhấn mạnh, “cái gì cứ phân ra nhiều đầu mối thì sau này không ai chịu trách nhiệm đến cùng. Nếu 1 đầu mối thì chúng ta quy được trách nhiệm, không làm được thì phải chịu trách nhiệm”.

Phân tích rõ hơn, theo ĐBQH đoàn TP Hà Nội, các cơ quan đều nằm trong 1 hệ thống quản lý thống nhất. Nếu vẫn giao mỗi cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thì lại giống tình trạng bao năm nay, “quản lý nhưng có ai phát hiện ra cái gì đâu, có ai tìm ra cái gì đâu”.

“Phải có sự thay đổi chéo. Nên giao cho cơ quan thanh tra làm đầu mối, thực hiện chức năng chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập. Còn riêng cơ quan thanh tra thì lại chuyển cho Ủy ban Kiểm tra của Đảng kiểm soát. Cứ phải kiểm tra chéo, chứ tự mình kiểm soát thì không bao giờ có kết quả tốt”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Liệu tập trung đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra có làm tăng biên chế, “phình” bộ máy? ĐBQH đoàn TP Hà Nội cho rằng, sẽ không có chuyện đó.

“Ở đây không phải thành lập cơ quan mới. Mà cũng việc đó, nếu cơ quan này làm thì vẫn phải có người làm, nếu cơ quan đó không làm thì người sẽ chuyển sang cơ quan được giao nhiệm vụ. Như vậy, biên chế sẽ không tăng, thậm chí bộ máy sẽ nhỏ đi vì giao một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ chuyên nghiệp hơn, tốt hơn. Tôi nghĩ, lý lẽ lo ngại bộ máy phình ra, tăng biên chế không thuyết phục lắm”.

ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh thêm, quy về một đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ tránh tình trạng nể nang. “Chống tham nhũng được không phải chuyện 1 ngày, 2 ngày, mà có khi còn nhiều năm sau, nên rất cần 1 cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập. Phương án 1 về mặt lâu dài thì quản lý tài sản, thu nhập của toàn xã hội sẽ tốt hơn”, ông Cường chốt lại.

Kiểm soát tài sản, thu nhập hiện không hiệu quả

Trước đó, khi QH thảo luận tại tổ, giải trình về vấn đề này, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN có một đánh giá là kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập không hiệu quả.

“Chúng ta đang quản lý trên 1 triệu bản kê khai tài sản, thu nhập. Nhưng do yếu tố trong nội bộ còn tình trạng nể nang nên việc xác minh xem việc kê khai có đầy đủ, trung thực hay không còn hạn chế. Do đó, đòi hỏi cần có 1 cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này để việc kiểm soát tài sản, thu nhập hiệu quả hơn”, ông Lê Minh Khái nói.

Tổng kết của Cơ quan Chống Tội phạm và Ma túy của Liên hợp quốc - UNODC(đầu mối hỗ trợ các quốc gia thành viên thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng trên phạm vi toàn cầu) cho thấy, trong 74 quốc gia được tổng kết có khoảng 60% quốc gia quy định giao cho một cơ quan đầu mối để quản lý tập trung bản kê khai, tiến hành thẩm tra, thu nhập và xác minh tài sản, thu nhập.

Theo Tổng Thanh tra, sau khi phân tích, đánh giá thận trọng cả 2 phương án, Chính phủ lựa chọn phương án 1. Vì khắc phục một cách triệt để những bất cập, hạn chế trong quản lý bản kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập hiện nay thông qua việc hình thành mạng lưới cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập với tổng số khoảng 120 đầu mối (30 đầu mối ở Trung ương; 63 đầu mối ở địa phương và khoảng 27 đơn vị phụ trách tổ chức cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác) trên phạm vi toàn quốc.

“Mạng lưới cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập được hình thành sẽ tạo thuận lợi cho quá trình xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Qua đó, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức kê khai, trao đổi, chia sẻ dữ liệu phục vụ cho công tác xác minh và xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không có nguồn gốc hợp pháp; giúp hạn chế tăng về biên chế, nguồn lực khi tổ chức thực hiện”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Chuyên trách hay bán chuyên trách

Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) Chính phủ trình ra Quốc hội tại kỳ họp 5 có 2 phương án:

Phương án 1: Giao chức năng chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước. Cụ thể:

Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương (nơi không có cơ quan thanh tra), thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Chính phủ chọn phương án này.

Phương án 2: Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương thì thực hiện như phương án 1.

Người có nghĩa vụ kê khai công tác tại TAND, Viện KSND, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan Trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập.

Người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng QH, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát.

Người có nghĩa vụ kê khai là ĐBQH chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát.


Thảo Nguyên