“Miếng bánh cám dỗ quá lớn, thậm chí quá ngon”

+ PV: Chưa bao giờ quyết tâm loại bỏ cán bộ tham nhũng, hư hỏng ra khỏi bộ máy lại rõ nét, mạnh mẽ như thời gian gần đây. Có ý kiến cho rằng, cán bộ lúc quy hoạch, bổ nhiệm rất gương mẫu, quá trình công tác lại bị cám dỗ, không giữ gìn được phẩm chất. Ông nghĩ gì về điều này?

TS Nguyễn Viết Chức: Trong nền kinh tế thị trường, từ thời C.Mác đã cảnh báo, nếu lợi nhuận 300%, người ta có thể treo cổ. Đứng trước tiền bạc, lợi nhuận, lợi ích, con người dễ bị thay đổi. Đừng hiểu con người theo nghĩa, hôm nay tốt, vĩnh viễn sẽ tốt, ngọc còn có vết kia mà.

Mình phải nhìn nhận một cách biện chứng để cá nhân thì luôn tu dưỡng, tổ chức thì luôn bồi dưỡng. Nếu chúng ta không coi trọng điều này, xã hội còn nhiều bệnh. Mà quả thật, chúng ta còn nhiều bệnh. Người này bị kỷ luật, người kia bị kỷ luật, lớn kỷ luật kiểu lớn, nhỏ kỷ luật kiểu nhỏ chỉ vì không chịu tu dưỡng đạo đức cách mạng, không chịu tu dưỡng đức làm người.

Đảng không có lợi ích nào ngoài lợi ích của nhân dân. Vậy mà vẫn có cán bộ, đảng viên biến của công thành của tư, làm công trình quốc kế dân sinh cũng tranh thủ vơ bỏ túi riêng, thậm chí sờ đến cả tiền cứu đói.

Đạo đức suy thoái thì lối sống tận hưởng, hở ra là tận hưởng, hưởng đến mức độ vô lối. Cho nên, phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, đảng viên phải trong sạch, gương mẫu, có như thế mới giải quyết được những vấn đề có tính chất gốc rễ. Mà muốn trong sạch thì phải tôn trọng sự thật, tức nói thật, làm thật, chứ nói dối, làm dối thì không thể có trong sạch, vững mạnh được.

+ PV: Để đạt được mục đích nào đó, có người chấp nhận “chạy”, “mua” cán bộ bằng rất nhiều tiền. Cán bộ phải tự tu dưỡng đạo đức thì rất khó, phải chăng cần một cái roi để đốc thúc?

TS Nguyễn Viết Chức: Không thể cầm roi bắt đạo đức được đâu! Chỉ có thể cầm roi trị anh vi phạm đạo đức thôi. Đạo đức là phải tự giác ngộ, tự nhận thức bổn phận, vinh dự, trách nhiệm của người đảng viên, của người cán bộ trước bản thân mình và trước dân. Còn phải cầm roi để nhận thức thì đừng làm cán bộ, đừng vào Đảng nữa.

Tôi chia sẻ với cán bộ vì bây giờ có những miếng bánh cám dỗ quá lớn, thậm chí quá ngon. Chỉ cần thỏa hiệp một chút thôi là có một ngôi nhà. Rất dễ ngã là vì thế! Nhưng như tôi đã nói, người cán bộ khi đã giác ngộ sẽ luôn luôn cảnh giác. Mà điều đó phải tu dưỡng, không ai bắt được.

Về phía Nhà nước thì phải đưa ra những quy định, cơ chế, loại bỏ xin - cho, kiểm tra, kiểm soát, nói một cách đời thường là xóa đi những miếng mồi cám dỗ. Ai cố tình đem những miếng mồi để cám dỗ cán bộ thì phải trị thật nặng. Người nhận hối lộ, người đưa hối lội đều phải trị tội.

“Cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, buồn lắm!"

+ PV: Có nghĩa, phải thiết lập hành lang pháp lý để cán bộ không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng?

TS Nguyễn Viết Chức: Đúng vậy! Con mèo trước đây chuyên bắt chuột, đang rất tốt nhưng bắt chuột vất vả lắm, ăn chuột cũng không ngon bằng cá rán. Để cá rán trước mặt con mèo thì hôm nay ăn một tí, mai ăn một tí thành quen, cứ cá rán mới ăn được, con mèo không bao giờ đi bắt chuột nữa, con mèo thành hư hỏng.

Cho nên, cùng với tu dưỡng, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, phải tạo một môi trường thực sự minh bạch, trong sạch. Tôi thấy, Đảng, Quốc hội đã, đang đưa ra rất nhiều biện pháp như kê khai tài sản, luân chuyển cán bộ, tăng cường sự giám sát của mặt trận, nhân dân… để bảo đảm minh bạch.

Khi có vụ việc, thanh tra vào cuộc hết lòng, hết sức, khó mấy cũng thanh tra đến khi minh bạch để công bố. Gần đây, một loạt kết luận thanh tra đã được công bố công khai, điều này rất tốt.

Phải nói rằng, công cuộc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh còn muôn vàn khó khăn. Vì chúng ta từ chỗ tin đã là cán bộ thì ai làm việc đấy, đến lúc hỏng thì nể nang, đấu tranh thì tránh đâu, bây giờ thì quả thật tràn lan, hình như ai cũng xấu, người tốt rất ít.

Nhưng không phải thế, rất nhiều cán bộ, đảng viên tốt, xung quanh ta rất nhiều người tốt, lực lượng nào cũng có nhiều người tốt. Cho nên, kỷ luật phải nghiêm, khen thưởng phải tránh tràn lan, khi khen phải khen người đi với việc, chứ không phải khen người gắn với chức vụ.

+ PV: Trên mạng xã hội, dường như xuất hiện tâm lý hả hê khi danh sách cán bộ, đảng viên bị kỷ luật dài thêm, ông nghĩ sao về điều này?

TS Nguyễn Viết Chức: Nhiều cán bộ tham nhũng, người dân rất bức xúc. Nên khi thấy tìm ra, vạch ra cán bộ tham nhũng trị tội đến nơi, đến chốn, người ta cảm thấy hả hê, có tâm lý ấy thật. Nhưng đa phần không phải hả hê đâu, buồn lắm, buồn thật sự vì như thế đội ngũ cán bộ sa sút.

Cán bộ là rường cột của xã hội, rường cột đó mục ruỗng chỗ này, chỗ kia, chúng ta sống trong cơ thể mục ruỗng thì đau buồn chứ. Hả hê chẳng qua là hả hê cái bực tức, bực bội mà thôi, chứ người dân không phải hoàn toàn hả hê, đặc biệt là những đảng viên.

Tôi nghĩ, cán bộ làm gì cũng phải tham vấn cộng đồng, lắng nghe ý kiến người dân. Trái tim của người dân đập với nhịp đập thế nào, trái tim của người cán bộ phải đập theo nhịp đập ấy. Người dân đã không ưng rồi thì phải xem đến tận cùng để biết tại sao người dân lại không ưng, chứ không được lấp liếm, bao che, làm sự việc càng ngày càng trầm trọng. Đẩy thuyền là dân, mà lật thuyền cũng là dân. Ông cha ta đã nói như vậy thì không thể sai.

Bác Hồ cũng nói, đoàn kết của nhân dân tạo ra sức mạnh nhấn chìm mọi kẻ thù. Tham nhũng có là kẻ thù của người dân không? Phải hiểu tham nhũng là kẻ thù của dân. Thế thì Đảng phải xây dựng trong sạch, vững mạnh, thật sự là người lãnh đạo xã hội, chứ không phải để cán bộ, đảng viên bị kỷ luật mà người dân lại vui thì đau lòng lắm!.

Mong cán bộ không “nhúng chàm”, thanh tra được nhàn hơn

+ PV: Cán bộ phải tu dưỡng, tổ chức phải bồi dưỡng. Vậy làm thế nào để tổ chức Đảng bồi dưỡng cán bộ hiệu quả?

TS Nguyễn Viết Chức: Tổ chức bồi dưỡng chỉ một phần thôi. Cán bộ là hạt nhân tiên tiến, hạt nhân tiên phong nên tự mình tu dưỡng là chính. Cho nên, Đảng đề cao tự phê bình là vì thế. Hỏi tôi nghĩ ra biện pháp gì, chắc không có. Toàn Đảng ta nghĩ biết bao biện pháp cũng đến vậy thôi nếu mỗi đảng viên không tự tu dưỡng.

Con người phải giác ngộ, nếu không hiểu được niềm vinh quang của con người là gì thì sẽ để cho dục vọng, tham lam lấn áp. Hãy cảnh giác với chính mình, hàng ngày xem việc mình làm đúng, sai chỗ nào, soi xét tự mình.

Mùa đông đến lá vàng rơi để mùa xuân đâm trồi lộc biếc cho đất nước này tươi đẹp. Con người cũng vậy, tuổi già rồi cũng ra đi nhưng phải để lại những điều tốt đẹp cho con cháu, như thế mới tốt được. Nên suy cho cùng cái đức vẫn là gốc mà đã là gốc thì tu dưỡng là trên hết, trước tiên, không có gì thay thế được.

+ PV: Sang năm 2018, nhiều đại án tham nhũng được đưa ra xét xử, loạt cán bộ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Nhìn bức tranh như vậy, ông có đặt kỳ vọng tin tưởng vào đội ngũ cán bộ?

TS Nguyễn Viết Chức: Xã hội luôn có điều tốt đẹp và còn tồn tại những điều chưa tốt đẹp. Phát triển như Anh, Pháp, Mỹ… cũng còn đầy rẫy những điều chưa tốt đẹp. Không phải nghĩ như thế để duy trì những điều không tốt đẹp mà ta phải có niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Nhìn nhận vấn đề phải theo con mắt biện chứng và thực tế, không ngại sự thật, sự thật có đau lòng, đau đớn cũng phải nhìn thẳng sự thật, chỉ nhìn thẳng sự thật, nói thẳng, nói thật, làm thật mới có kết quả tốt. Tôi tin một điều rằng, đang thức tỉnh.

Nhân dịp năm mới, tôi muốn gửi thông điệp đến tất cả cán bộ, đảng viên rằng, đã tốt hãy tốt hơn và soi lại mình. Còn ai đã trót nhúng chàm thì không nhúng chàm nữa, kiên quyết trung thực với chính mình trước tiên, sau là trung thực với tổ chức để giải quyết những vấn đề nhẹ nhàng hơn. Các tổ chức cũng tự chỉ ra được những khuyết điểm của các cá nhân cũng như tổ chức mình.

Như vậy, cán bộ sẽ không dấn sâu vào những sai lầm, khuyết điểm thì thanh tra không phải vào cuộc. Thanh tra rất quý nhưng mỗi người dân, trong đó có tôi mong rằng, thanh tra được nhàn hơn, không phải vào cuộc thanh tra những tội lỗi, xử lý cán bộ.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hương Giang (Thực hiện)