Khắc phục tình trạng “sân sau, sân trước”

+ Trải qua 3 kỳ thảo luận, Luật PCTN (sửa đổi) đã được Quốc hội (QH) thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Luật này có nội dung gì mới nổi bật để góp phần phòng, chống giặc “nội xâm”, thưa ông?

- Luật PCTN đã được sửa đổi toàn diện ở tất cả các chế định, từ những quy định chung đến các biện pháp phòng ngừa và cơ chế phát hiện, xử lý tham nhũng.

Đầu tiên, luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước. Chúng ta không có cách nào khác là phải đi theo đoàn tàu hội nhập chung của thế giới, khắc phục tình trạng “sân sau, sân trước”. Và rõ ràng, liêm chính trong kinh doanh là một tất yếu, đây là cách để bảo vệ doanh nghiệp (DN) chứ không phải “xử” DN. 

Điểm mới đáng chú ý nữa, luật dành hẳn một chương quy định trách nhiệm người đứng đầu là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thế nào, phát hiện, xử lý tham nhũng ra sao, gắn với đó là trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới khi để xảy tham nhũng ở cơ quan mình.

Đặc biệt, đã chuyển trạng thái từ minh bạch tài sản, thu nhập sang kiểm soát tài sản, thu nhập. Minh bạch dù sao vẫn mang tính chất tự nguyện, phát huy đạo đức công vụ của người có nghĩa vụ kê khai thì giờ giao cho hệ thống các cơ quan làm nhiệm vụ chuyên trách có tính chất độc lập tương đối với cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai để theo dõi, kiểm soát, xác minh. 

Với luật mới, việc xác minh tài sản, thu nhập chủ động theo lựa chọn ngẫu nhiên hoặc theo yêu cầu. Trong quá trình xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được yêu cầu cung cấp thông tin, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng tài sản, khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đừng nghĩ quy định này chung chung, khi vào làm sẽ rất cụ thể. 

Ví dụ, TTCP vào xác minh tài sản, thu nhập của ông giám đốc sở thì phải làm rõ có vi phạm hay không có vi phạm. Nếu có vi phạm về thuế thì chuyển cơ quan thuế xem xét để truy thu thuế. Nếu thấy có thêm dấu hiệu tham nhũng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn như để vợ, con kinh doanh trong lĩnh vực phụ trách thì ngoài xử lý thuế phải ra quyết định thanh tra vụ việc để làm rõ tính chất mức độ vi phạm hoặc chuyển sang cơ quan điều tra… Trong cả quá trình xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền yêu cầu giữ nguyên hiện trạng của tài sản, thu nhập có liên quan. Đây là điểm mới thực sự rất lớn có thể giúp các cơ quan tiến hành tố tụng sau này có được thông tin về tài sản, thu nhập và áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để thu hồi có hiệu quả tài sản tham nhũng nếu vụ việc bị khởi tố để điều tra.

Luật cũng mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu đến tất cả cán bộ, công chức và một số viên chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập, DN Nhà nước. Quy định này, giúp hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Từ đó, có thể chủ động kiểm soát biến động tài sản, thu nhập; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để xác minh được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là điều rất quan trọng, tới đây, TTCP sẽ chủ trì đề án để xây dựng cơ sở dữ liệu này.

Ngoài ra, Luật PCTN đã quy định rất rõ về thẩm quyền và việc xử lý phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, kiểm toán Nhà nước…

Sẽ phải có kế hoạch xác minh tài sản hàng năm

+ Luật giao TTCP kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại các bộ, ngành, chính quyền địa phương, DN Nhà nước. Có ý kiến lo, TTCP sẽ quá tải, bỏ sót vi phạm, ý kiến khác lại băn khoăn, dễ lạm quyền?

- Phải nói ngay rằng, khi trao quyền thì luôn gắn với đó là nhiệm vụ, trách nhiệm. Đây chính là áp lực chứ không có đặc quyền gì ở đấy cả. Áp lực về mặt xã hội, áp lực từ phía các cơ quan có thẩm quyền khác như các cơ quan giám sát. 

Luật trao cho anh quyền chủ động kiểm soát, chủ động vào xác minh mà có chuyện người dân biết, cơ quan giám sát biết “ông nọ, ông kia” có khối tài sản “khủng”, anh lại không biết thì rõ là không ổn. Tức là, luật cho cơ quan này công cụ để kiểm soát tốt tình hình, thì cũng đặt lên vai áp lực không hề nhẹ.

Khi thanh tra xem xét vụ việc có dấu hiệu tham nhũng mà có lỗi dẫn đến không phát hiện được hoặc bỏ lọt vi phạm, sau này cơ quan có thẩm quyền khác vào lại chỉ ra được sai phạm về cùng một nội dung thì người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, các thành viên đoàn thanh tra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý trách nhiệm.

Trong quá trình xây dựng luật, các cơ quan cũng đã đánh giá tác động, xác định số lượng TTCP phải kiểm soát tài sản, thu nhập là bao nhiêu người để bảo đảm tính khả thi. 

Theo thống kê, số lượng này khoảng trên 3 nghìn người nên không quá lớn. Hơn nữa, ở đây là kiểm soát để nắm giữ, cập nhật dữ liệu thông tin tài sản, thu nhập, chứ không phải ngay lập tức yêu cầu đi xác minh xem trên 3 nghìn người này có kê khai đúng không. 

Thời gian đầu, có thể tiến hành xác minh theo mẫu ngẫu nhiên hoặc lựa chọn nhóm dễ xảy ra tham nhũng cao để giảm bớt nguy cơ thiếu trung thực. Sau này, khi đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập thì việc kiểm soát sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, rất cần sự tham gia của người dân, xã hội và các cơ quan có thẩm quyền khác trong việc phát hiện vi phạm trong kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có chức vụ, quyền hạn. 

+ Vậy việc xác minh tài sản, thu nhập này có được xây dựng thành kế hoạch hàng năm không, thưa ông?

- Tất nhiên phải có kế hoạch hàng năm, lựa chọn địa phương nào, bộ, ngành nào, nhóm đối tượng nào giống như xây dựng kế hoạch thanh tra. Tất nhiên, tới đây, Chính phủ sẽ có quy định để hướng dẫn cụ thể vấn đề này. 

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, như ông nói, là việc lớn, rất quan trọng. Vậy khi nào có thể xong để đưa vào vận hành?

- Để trả lời một cách cụ thể bao giờ đưa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia này vào vận hành quả là khó. Ngay như Pháp - một quốc gia phát triển, họ xây dựng cơ sở dữ liệu này cũng mất rất nhiều thời gian để thiết kế hệ thống, xây dựng mẫu, nhập và chuẩn hóa dữ liệu… và đến nay còn tiếp tục phải hoàn thiện. 

Nhưng tôi tin, thời gian từ khi xây dựng đến khi vận hành, đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu này không quá kéo dài. Bởi đối tượng khoảng 2 triệu bản kê khai lần đầu theo một mẫu mới nên không quá phức tạp, phạm vi rộng như các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay đất đai…

Kiểu gì, trước ngày 31/12/2019 thì cũng phải có mẫu mới để hoàn tất việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của luật. Ngoài các nội dung theo quy định, mẫu mới cần được xây dựng hướng để thuận tiện cho việc từng bước số hóa dữ liệu. 

Ở đây câu chuyện quan trọng hơn là làm thế nào để khai thác hiệu quả. Vừa bảo vệ được cơ sở dữ liệu, tránh việc sử dụng mục đích không tốt, lộ, lọt ra bên ngoài những thông tin luật không cho phép, vừa tích hợp được với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác để có thể “quét” được thông tin tài sản của người có nghĩa vụ kê khai.

Không “bó tay” với giải trình kiểu “xây biệt phủ nhờ buôn chổi đót”

+ Một vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, tại sao Luật PCTN (sửa đổi) lại chưa quy định?

- Trong PCTN đây là vấn đề quan trọng, nhưng cũng rất khó. Không chỉ khó với Việt Nam mà khó với tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với nước chưa kiểm soát được thu nhập, chi tiêu trong toàn xã hội. Hệ thống quản lý thuế, đăng ký tài sản, quyền sở hữu, thanh toán qua tài khoản chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngay hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đã quy định là tội phạm đối với hành vi “làm giàu bất chính” theo khuyến nghị tại Điều 20 của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, nhưng xét xử theo quy định này chưa được nhiều. Theo tổng kết đánh giá chu trình 1 thực hiện Công ước thì quy định tại Điều 20 vẫn gặp rất nhiều trở ngại trong việc nâng cao mức độ tuân thủ của các quốc gia thành viên. 

Bởi vì các quốc gia thành viên sẽ rơi vào một trong hai khả năng: Không quy định và thực hiện được do vi hiến, vi phạm quyền cơ bản của công dân. Trường hợp có quy định thì không thực hiện được hoặc khó thực hiện vì tác động về mặt xã hội lớn và vẫn có nhiều ý kiến phản đối.

Quay lại Việt Nam, khi đặt ra câu chuyện xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, cả Chính phủ và QH đều rất trăn trở để tìm tòi các giải pháp hữu hiệu, thiết thực.

Không phải QH không quy định hay không muốn quy định hay vẫn muốn giữ nguyên mà sau khi “lật đi, lật lại”, thảo luận rất kỹ lưỡng ưu, nhược điểm từng giải pháp thì thấy đều chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt pháp luật, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam nên chưa quy định. 

Đây cũng thể hiện sự thận trọng, nghiêm túc của QH trong quá trình xem xét vấn đề này. Tôi nghĩ, quy định mà không áp dụng được thì bản thân người dân, xã hội cũng sẽ đặt câu hỏi “tại sao” và như thế sẽ phản tác dụng. 

+ Có ý kiến cho rằng, nếu không quy định thì chúng ta “bó tay” không xử lý được loại tài sản, thu nhập này và phải chấp nhận giải trình kiểu “xây biệt phủ nhờ buôn chổi đót”?

- Chúng ta không “bó tay”! Với những quy định mới của Luật PCTN (sửa đổi) có thể xử lý được. Luật mới đã quy định rõ thẩm quyền của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Như tôi đã nói, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu, người có nghĩa vụ kê khai giải trình về nguồn gốc tài sản. Nếu thấy giải trình không hợp lý, cơ quan này có quyền xác minh làm rõ nguồn gốc tài sản đó hình thành từ đâu, đã nộp thuế chưa, có dấu hiệu liên quan đến hành vi tham nhũng không. Nếu có liên quan đến tham nhũng thì chuyển ngay sang cơ quan có thẩm quyền để tiến hành thanh tra hoặc chuyển cơ quan điều tra...

Trước đây, ngay cả quy trình xác minh, yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai… cũng chưa chính thức thì luật mới lần này đã bổ sung nên rõ ràng phải làm đến cùng theo thẩm quyền. Bởi nếu các cơ quan thanh tra không rõ, không làm đến cùng, sau này khi các cơ quan khác có thẩm quyền vào làm rõ được có vi phạm pháp luật thì chính cơ quan này và các cá nhân có liên quan, nếu có lỗi, cũng sẽ phải chịu trách nhiệm.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường:Kiểm soát chặt để giảm “nạn” tham nhũng

Luật PCTN (sửa đổi) được QH thông qua với tỷ lệ rất cao, khẳng định thêm một lần nữa, chúng ta phải kiểm soát chặt để giảm thiểu thấp nhất nạn tham nhũng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để luật đi vào cuộc sống, đặc biệt là các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường

 

Bên cạnh nhiệm vụ thanh tra kinh tế - xã hội, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN như hiện nay, TTCP, thanh tra bộ ngành, thanh tra địa phương được giao thêm nhiệm vụ mới là kiểm soát tài sản, thu nhập. Tôi thấy, đây là nhiệm vụ, trách nhiệm rất nặng nề với cơ quan thanh tra.

Vì vậy, thanh tra cần phải tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ. Khi nhận được thông tin phản ánh, tố cáo liên quan đến vấn đề tài sản thì phải nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ. Và để phục vụ cho việc xác minh đạt hiệu quả, TTCP cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; đi cùng với đó là tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn để trình Chính phủ ban hành.

Bản thân các đảng viên, cán bộ, công chức cũng phải thực sự gương mẫu, trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập. Mà luật cũng đã quy định rồi, nếu kê khai không trung thực, giải trình không hợp lý khi cơ quan kiểm soát vào xác minh làm rõ thì sẽ bị xử lý rất nghiêm.

Luật mới lần này còn sửa đổi nhiều quy định về phòng ngừa tham nhũng từ công khai, minh bạch tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đến thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vu, quyền hạn, kiểm soát xung đột lợi ích… Tất cả những điều này cần được đẩy mạnh tuyên truyền để thực thi đồng bộ, nghiêm minh bởi trong đấu tranh PCTN thì phòng là chính.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến:Không “bỏ trống” việc xử lý tài sản không giải trình được

QH, các đại biểu (ĐB) QH mong muốn có những điều luật mạnh mẽ hơn để xử lý triệt để những loại tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Đó là kỳ vọng. Nhưng khi đưa ra 1 quy định mới phải đáp ứng được yêu cầu: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, không xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của người dân thì luật mới đi vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến

 

Trong quá trình thảo luận, rất nhiều phương án khác nhau được đưa ra như: Thông qua thủ tục tại tòa án; thu thuế thu nhập cá nhân; xử phạt hành chính… Nhưng các phương án này đều chưa đáp ứng được các yêu cầu trên nên QH quyết tạm “gác lại”, chưa bổ sung quy định vào Luật PCTN (sửa đổi) để tiếp tục nghiên cứu, tôi nghĩ là hợp lý.

Nhưng điều đó không có nghĩa là pháp luật chúng ta "bỏ trống" việc xử lý đối với loại tài sản này. Đối với tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ được xử lý như quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do phạm tội tham nhũng, do vi phạm pháp luật mà có thì tiến hành thu hồi trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Đồng thời, người có hành vi tham nhũng sẽ bị xử lý rất nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Còn chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga:Xử cán bộ kê khai không trung thực nghiêm khắc hơn

Luật PCTN (sửa đổi) đã quy định xử lý nghiêm khắc hơn đối với người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực so với pháp luật hiện hành. Cụ thể: Người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

 

Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến; người có nghĩa vụ kê khai khác thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

Để có thể phát hiện hiệu quả và xử lý nghiêm minh người kê khai tài sản không trung thực, giải trình tài sản không trung thực, luật mới cũng sửa đổi nhiều quy định về kiểm soát tài sản: Thu gọn đầu mối, xây dựng cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tập trung 1 bước; bổ sung thẩm quyền; mở rộng đối tượng, thay đổi hình thức kê khai; quy định cụ thể, rộng hơn về căn cứ xác minh, trình tự, thủ tục xác minh; cơ sở dữ liệu. Từ đó, kiểm soát hiệu quả hơn tài sản, thu nhập.


Thực tế, đối với các vụ việc vi phạm, các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian gần đây, việc áp dụng các biện pháp thu hồi, ngăn chặn tẩu tán tài sản đã được các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện… nên những hạn chế trong thu hồi tài sản tham nhũng đang từng bước được khắc phục.

Đến nay, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt trên 31%; việc kê biên, thu giữ tài sản trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo đạt trên 35 ngàn tỷ đồng, điển hình như: Vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín trên 10.000 tỷ đồng, vụ AVG hơn 8.500 tỷ đồng, vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ trên 1.400 tỷ đồng...


Hương Giang (thực hiện)