Việt Nam chính thức gia nhập TPP không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu lớn mà còn tạo ra những “sức ép” phải tăng cường quản trị, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và xử lý những ảnh hưởng xói mòn của việc hối lộ và tham nhũng lên nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, TPP đưa ra các quy định về minh bạch và chống hối lộ dựa trên các chuẩn mực tối thiểu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), đặc biệt là các yêu cầu về hình sự hóa các hành vi tham nhũng và chú trọng đến xử lý các hành vi hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào làm ảnh hưởng đến tính công bằng, bình đẳng trong đầu tư, thương mại quốc tế. TPP yêu cầu đối với quốc gia thành viên quy định là tội phạm đối với tất cả các hành vi đưa hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào cho công chức, người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước, công chức nước ngoài hoặc của tổ chức công quốc tế; hành vi nhận hối lộ của công chức, người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước. TPP cũng đưa yêu cầu đối với các quốc gia thành viên trong việc xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân liên quan đến các hành vi tham nhũng nói trên.

Tới đây, trong Kỳ họp 10, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Điều này rất phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng, cũng như yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

“Những yêu cầu của TPP cần được đặc biệt chú trọng trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Các nội dung cần được xem xét và quy định tập trung vào các vấn đề: Xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân; hoàn thiện cấu thành tội phạm đối với nhóm tội tham nhũng như quy định lợi ích bất chính bao gồm lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần; điều chỉnh các yếu tố trong mặt khách quan cho tương xứng với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng”, ông Nguyễn Tuấn Anh đề xuất.

Ngoài ra, việc hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng cần hướng tới xây dựng một hệ thống các biện pháp xử lý hình sự phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, răn đe đối với các hành vi tham nhũng nói chung, đặc biệt là các hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và thương mại quốc tế, cũng như nhằm thúc đây công khai, minh bạch và liêm chính trong hoạt động kinh doanh.

Theo cam kết, các bên tham gia TPP phải đồng ý áp dụng hoặc duy trì luật hình sự hóa đối với việc cung cấp những lợi ích không chính đáng của một công chức hay những hành động hối lộ khác có ảnh hưởng đến đầu tư và thương mại quốc tế. Đồng thời, cam kết sẽ áp dụng hiệu quả các quy định và luật pháp về chống hối lộ.

Các bên đồng ý nỗ lực duy trì hoặc áp dụng các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử của các công chức cũng như các biện pháp nhằm xác định và quản lý xung đột lợi ích, qua đó tăng cường đào tạo công chức, tránh việc xử dụng quà tặng, khuyến khích việc thông báo về các hành động hối lộ và có hình thức kỷ luật hoặc các biện pháp khác đối với các công chức có hành động hối lộ…

H.Giang