Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Cục IV, theo Tổng Thanh tra, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm. Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có những phát biểu rất mạnh mẽ, chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này.

“Dư luận xã hội rất quan tâm đến công cuộc phòng, chống tham nhũng. Nếu làm không hiệu quả mà vẫn để tham nhũng thành vấn nạn sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Điều này, đặt ra cho các cơ quan trong hệ thống có chức năng phòng, chống tham nhũng, trong đó có Thanh tra Chính phủ và Cục IV nhiệm vụ hết sức nặng nề”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Áp lực rất lớn!

Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ công việc đột xuất giao cho Thanh tra Chính phủ tương đối nhiều. Ngay trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ được giao thêm 2 nhiệm vụ.

Gần đây nhất, Thủ tướng cũng giao Thanh tra Chính phủ tiến hành rà soát, làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

“Chúng ta đã áp lực rồi lại càng áp lực hơn”, Tổng Thanh tra nói và cho rằng, đó cũng niềm vui, tự hào vì được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ lưu ý, dù có nhiều có gắng nhưng việc thực hiện một số nhiệm vụ thời gian qua còn chậm, đặc biệt là việc ban hành, công bố các kết luận thanh tra. Tình hình nội bộ cơ bản tốt song vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

Hơn nữa, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, biên chế, đội ngũ cán bộ lại thiếu. Cho nên, cần phải “liệu cơm gắp mắm”, tập trung vào những việc có trọng tâm, trọng điểm, “đã nói thì phải làm”.

Tổng Thanh tra đề nghị, Cục IV tiếp tục đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trở thành đơn vị tiêu biểu.

“Phòng, chống tham nhũng trong nội bộ là nhiệm vụ rất quan trọng, đặc biệt là đối với ngành Thanh tra, kiểm tra”, ông Lê Minh Khái nêu rõ và nhắc lại ý kiến của đại biểu Quốc hội, là cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng thì không được để xảy ra tham nhũng trong nội bộ.

Tổng Thanh tra yêu cầu, thời gian tới, Cục IV phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức Cán bộ để xây dựng chức năng, nhiệm vụ theo Nghị định 50. Thực hiện hiệu quả các cuộc thanh tra về chuyên đề xổ số, Đại học Ngoại thương… Trong quá trình thanh tra phải chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương.

Theo chương trình, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 6 (tháng 11/2018) với nhiều cơ chế mới liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Cục IV nhiều. Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nêu rõ, phải chuẩn bị thể chế hóa để khi luật có hiệu lực thi hành thì triển khai được ngay.

Một vấn đề nữa, Tổng Thanh tra Chính phủ lưu ý, phải tập trung hoàn thành sớm những nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, Chính phủ giao.

Chủ động nắm tình hình tham nhũng

Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục IV Phạm Trọng Đạt cho hay, Cục đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tuy nhiên, việc nắm bắt tình hình tham nhũng còn bị động, thiếu thông tin; công tác xử lý đơn thư tố cáo tham nhũng còn thiếu chuyên sâu; chưa đề xuất được các cuộc thanh tra đột xuất đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng…

Theo Phó Cục trưởng Cục IV Phí Ngọc Tuyển, hiện nay cơ chế để đi nắm tình hình về phòng, chống tham nhũng đang vướng, khó triển khai.

“Anh Đạt (Cục trưởng Cục IV - PV) đã hi sinh 2 số điện thoại để làm đường dây nóng, nghe đến rát cả tai cũng là để nắm tình hình. Cho nên, cần phải có cơ chế như thế nào để có thể nắm bắt tình hình tham nhũng trên bình diện rộng trên cả nước thì mới tập hợp đánh giá, đề xuất, tham mưu vùng nào cần quyết liệt hơn”, ông Tuyển nhấn mạnh, làm tốt thì không chỉ chống tham nhũng “vặt”, mà còn chống cả tham nhũng lớn.

Phó Cục trưởng Cục IV đề nghị thêm, ngoài xây dựng bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của các địa phương, cũng cần xây dựng bộ chỉ số đánh giá công tác này của các bộ.

Đồng ý cơ chế để Cục IV chủ động đi nắm tình hình tham nhũng còn chưa rõ, theo Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam, để thực hiện hiệu quả cần xây dựng kế hoạch cụ thể để bố trí phương tiện, nhân lực, tài chính, kể cả có cơ chế bảo vệ cán bộ.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, cần quan tâm hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Đề cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, tránh tình trạng “trên nóng, dưới chưa nóng”.

Theo báo cáo, hiện hiện Cục IV đang chủ trì xây dựng chỉ thị của Thủ tướng về ngăn chặn, xử lý tham nhũng “vặt”; quyết định của Tổng Thanh tra quy định việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo, phản ánh qua điện thoại, hộp thư điện tử.

Cùng với đó, xây dựng báo cáo quốc gia thực thi Công ước Chống tham nhũng của Liên Hợp quốc; thông tư theo dõi, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của các địa phương.

Riêng cuộc thanh tra dự án nhà máy đạm Hà Bắc, Cục IV đã tiếp thu, chỉnh lý, dự kiến hoàn thành, trình Tổng Thanh tra trong tháng 5. Còn cuộc thanh tra việc quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử các đoàn đi nước ngoài, đoàn thanh tra đang chỉnh lý dự thảo.

Hương Giang