Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng. Nội dung này lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp.

Xử 39 trường hợp người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

Trình bày báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho hay, năm 2017 đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt.

“Trong thời gian tới, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng sẽ tiếp tục có tác dụng rất lớn trong răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng; khích lệ các nhân tố tích cực trong phòng, chống tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Báo cáo cho thấy, trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 hơn 1,113 triệu người; đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai hơn, 1,111 triệu bản; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai.

Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, TP Hà Nội, Yên Bái và Đồng Nai (giảm 81,4%). 

Nguyên nhân được chỉ ra là do tổ chức thực hiện pháp luật còn yếu kém, một số nơi còn buông lỏng quản lý; việc đánh giá trách nhiệm của của cán bộ, công chức trong quản lý còn hạn chế; chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ chưa rõ ràng.

Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở. Kỷ cương, kỷ luật trên nhiều ngành, lĩnh vực còn buông lỏng.

“Qua công tác thanh tra, điều tra, kiểm tra, giám sát cho thấy cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng tuy trình độ chuyên môn đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu”, Tổng Thanh tra báo cáo.

Những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, hành vi phạm tội thường rất tinh vi, nhiều bị can, quá trình điều tra thường phải trưng cầu giám định. Trong khi đó công tác giám định thiệt hại về kinh tế, đất đai… mất nhiều thời gian, thiếu sự đồng thuận giữa các bên liên quan.

“Qua xác minh phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Cùng kỳ, năm 2016 đã không phát hiện được trường hợp nào vi phạm”, Tổng Thanh tra cho biết.

Năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016.

“Cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực hiệu quả chưa cao”

Bên cạnh những kết quả đã được, theo Tổng Thanh tra, ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.

“Tình trạng việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ vẫn còn xảy ra. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy Nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế.

Thêm vào đó, hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra có nhiều tiến bộ nhưng tỷ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản, đất đai còn thấp.

Công tác phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ và quyết liệt.

Sẽ có cơ chế loại cán bộ thoái hóa, biến chất

Năm 2018, Chính phủ tiếp tục xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Theo đó, sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.

Đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác; minh bạch tài sản, thu nhập; tăng cường thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền...

“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hoá, biến chất”, Tổng Thanh tra cho hay, cũng sẽ tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT…

Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, Luật Tố cáo sửa đổi, chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng….

Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng

- Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Thanh tra đã phát hiện 136 vụ, 207 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 177% số vụ, 117% số đối tượng so với năm 2016).

- Cơ quan Điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 354 vụ án, 785 bị can phạm tội về tham nhũng (khởi tố mới 202 vụ, 438 bị can so với cùng kỳ năm trước tăng 60 vụ, 103 bị can).

- Viện Kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 255 vụ, 571 bị can (trong đó án mới 215 vụ, 527 bị can); đã giải quyết 222 vụ, 488 bị can, đạt tỷ lệ 86,6 %, giảm 0,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Truy tố 219 vụ, 481 bị can, chiếm 98,6% tổng số án đã giải quyết.

- TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 345 vụ với 799 bị cáo (giảm 4,4% số vụ); đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 5,7% số vụ). Có 08 bị cáo bị tuyên án tử hình, tù chung thân (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016).

- Các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng và 77.057m­2 đất; đã thu hồi 329 tỷ 691 triệu đồng, 314.000USD và 3.700 m2 đất; kê biên nhiều bất động sản và tài sản khác.

Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý 415 việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền là 6.051,4 tỷ. Đã giải quyết xong 117 vụ việc với số tiền 1.154,5 tỷ đồng (tăng 12.2% so với cùng kỳ năm 2016).

Thảo Nguyên