Tiến hành khi kế hoạch thanh tra được phê duyệt

Nội dung thanh tra là xem xét, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN của cơ quan, tổ chức, đơn vị như công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; minh bạch tài sản, thu nhập; các quy định khác của pháp luật về PCTN. Đồng thời, xem xét, kết luận về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN.

Việc thanh tra được tiến hành khi kế hoạch thanh tra hàng năm đã được thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp phê duyệt; yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về PCTN hoặc yêu cầu của việc giải quyết tố cáo về tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ (gọi chung là thanh tra bộ) thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của bộ; doanh nghiệp Nhà nước do bộ trưởng quyết định thành lập.

Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là thanh tra tỉnh) thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với: Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là UBND cấp huyện); doanh nghiệp Nhà nước do chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập.

Thanh tra của các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh (gọi chung là thanh tra sở) thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của sở.

Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là thanh tra huyện) thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã.

Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan thanh tra Nhà nước trong công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN.

Kết luận phải chỉ ra trách nhiệm của người đứng đầu

Về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, Điều 47 quy định thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN của cơ quan thanh tra Nhà nước cùng cấp; chỉ đạo, tạo điều kiện về kinh phí và cán bộ để cơ quan thanh tra Nhà nước cùng cấp tiến hành hoạt động thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện các kiến nghị của cơ quan thanh tra Nhà nước trong hoạt động thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra hành vi vi phạm các quy định về hoạt động thanh tra.

Hàng năm, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. Cơ quan thanh tra Nhà nước có trách nhiệm giúp thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra hàng năm. Thủ trưởng cơ quan quản lý phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm theo đúng thời hạn được quy định trong pháp luật về thanh tra.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra. Điều 49 quy định, trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về thanh tra. Trình tự, thủ tục, thời hạn tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Kết luận thanh tra phải bảo đảm đầy đủ các nội dung được thanh tra; kết luận về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh tra trong tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; kiến nghị các biện pháp để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN của cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh tra; kiến nghị xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với việc vi phạm các quy định của pháp luật về PCTN được quy định tại Khoản 1 Điều 44 Nghị định này.

Trong trường hợp hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về PCTN có dấu hiệu tội phạm thì người ra kết luận thanh tra kiến nghị và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm.

Lê Nguyên