Để “tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính; xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về PCTN trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; góp phần tích cực cải thiện tình hình tham nhũng và công tác PCTN”, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương. 

Với TTCP, Thủ tướng yêu cầu từ nay đến năm 2020, phải tổ chức biên soạn, phát hành các cuốn sách có nội dung: Pháp luật về PCTN; kinh nghiệm quốc tế về PCTN; giáo dục liêm chính cho thanh, thiếu niên; vai trò của xã hội trong PCTN, bảo vệ người tố cáo tham nhũng; minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ…

Cùng với đó, thường xuyên biên soạn, phát hành tờ rơi bằng 5 tiếng dân tộc thiểu số, chuyển tải kiến thức phổ thông về pháp luật PCTN; hoàn thiện nội dung, hình thức chuyên trang PCTN trên Cổng thông tin điện tử của TTCP; tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại, nói chuyện chuyên đề có nội dung, chủ đề về PCTN…

Đáng chú ý, Thủ tướng giao TTCP chủ trì tổ chức hội nghị toàn quốc biểu dương người tốt, việc tốt trong PCTN vào năm 2021. 

Hội nghị toàn quốc biểu dương những cá nhân có thành tích trong công tác PCTN lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2010. Thời điểm đó, có 88 cá nhân tiêu biểu đến từ khắp các vùng, miền, cơ quan, đơn vị trong cả nước đã được vinh danh. Trong số những cá nhân tiêu biểu được biểu dương, thì có 42 người thuộc nhóm có thành tích trong tố cáo tham nhũng.

11 nội dung phải tuyên truyền

Theo đề án, từ nay đến năm 2021, phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về 11 nội dung PCTN, như thực trạng, nguyên nhân, điều kiện tham nhũng và giải pháp PCTN; ý nghĩa, tầm quan trọng của PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính; tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức liêm chính và PCTN; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN.

Tuyên truyền, phổ biến Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trọng tâm là các quy định mới về hành vi tham nhũng; PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về PCTN…

Kinh nghiệm PCTN trong lịch sử Việt Nam; công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; hợp tác quốc tế của Việt Nam trong PCTN; kinh nghiệm quốc tế về PCTN; tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN; quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân trong PCTN; mô hình, kinh nghiệm, gương tiêu biểu về PCTN và đạo đức liêm chính… cũng là những nội dung phải tuyên truyền, phổ biến.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương phải thường xuyên, liên tục lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hoạt động chuyên môn, nhất là trong các hoạt động: Cải cách và kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính tập trung, cao điểm trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế PCTN - 9/12 hàng năm.

Đề án cũng nêu rõ các mục tiệu cụ thể. Trong đó, phấn đầu hình thành trên phạm vi toàn quốc văn hoá minh bạch, giải trình của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhận thức rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ là vi phạm pháp luật và trái đạo đức, lương tâm, trách nhiệm, cần lên án mạnh mẽ để xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, củng cố vững chắc đạo đức, hành vi chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức và người dân. 

Thảo Nguyên