Đôn đốc công tác giải quyết KN, TC tại cơ sở

Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ Nguyễn Hồng Điệp cho biết, sau khi Luật Tiếp công dân được ban hành, TTCP đã củng cố lại hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở, đồng thời chủ trì cùng với các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở xây dựng quy chế phối hợp. Từ đó, các cơ quan tham gia tiếp dân tại Trụ sở đã quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế với trọng tâm là nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tiếp dân.

Từ tháng 9/2015 đến nửa đầu năm 2017, Trụ sở đã tiếp 33.221 lượt công dân đến trình bày 9.429 vụ việc, trong đó khiếu nại (KN) 5.946 vụ việc, tố cáo (TC) là 1.835 vụ việc, kiến nghị, phản ánh là 1.648 vụ việc với 919 lượt đoàn đông người.

Công tác tiếp công dân luôn được lãnh đạo các cơ quan Trung ương quan tâm và chỉ đạo sát sao, thường xuyên trao đổi, phối hợp tổ chức giao ban giữa Ban Tiếp công dân TƯ với các đơn vị được giao đầu mối thường trực tiếp công dân tại Trụ sở, qua đó đề xuất một số vụ việc phức tạp, kéo dài để lãnh đạo các cơ quan Ban Dân nguyện, Văn Phòng TƯ Đảng, Văn phòng Chính phủ, TTCP tổ chức tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở.

Trụ sở luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo công dân đến Trụ sở được tiếp, hướng dẫn đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phối hợp lồng ghép tuyên truyền phổ biến pháp luật để người dân hiểu và đồng thuận với chính quyền, hạn chế phát sinh “điểm nóng” gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn. Các cơ quan có sự phối hợp trong việc kiểm tra, đôn đốc công tác giải quyết KN,TC tại cơ sở.

Triển khai Kế hoạch 564, TTCP đã phối hợp với các cơ quan tiếp dân tại Trụ sở đi kiểm tra một số địa phương như Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... Định kỳ hàng tuần, tháng, quý, năm, Ban Tiếp công dân TƯ tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả tiếp công dân tại Trụ sở đến lãnh đạo TTCP và các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở. 

Đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo ngày gửi các cơ quan TƯ trong suốt thời gian diễn ra sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; chủ động phối hợp nắm tình hình thực tế tại từng thời điểm, từng địa phương đối với những vụ việc phức tạp có khả năng bùng phát thành “điểm nóng”...

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TH

 

Tránh sự chồng chéo

Thảo luận, các đại biểu đều nhất trí với bản báo cáo và góp ý về các giải pháp sắp tới. Theo đó, các cơ quan tiếp công dân tại Trụ sở kiến nghị sử dụng chung hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về KN,TC để đảm bảo sự thống nhất từ địa phương đến Trung ương; sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiếp công dân cho phù hợp tình hình thực tiễn; TTCP phối hợp với các cơ quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trụ sở Tiếp công dân TƯ, tăng cường cơ sở vật chất tốt nhất phục vụ quá trình công tác của cán bộ tiếp công dân tại Trụ sở…

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đánh giá cao công tác phối hợp giữa các cơ quan tiếp dân trong thời gian qua. "Trong thời gian qua, các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp, công tác phối hợp đã đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả thực chất và thiết thực, tạo sự thuận lợi để công dân thực hiện quyền KN, TC kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật. Góp phần xây dựng lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước, là nơi truyền tải tâm tư nguyện vọng của người dân đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời là cầu nối giữa người dân với chính quyền địa phương" - Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Tổng Thanh tra cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Chưa có sự tham gia đồng bộ của các cơ quan tiếp công dân đối với phần mềm tiếp công dân tại Trụ sở dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc cập nhật thông tin có cơ sở để trả lời công dân; công tác phối hợp kiểm tra, đôn đốc tại địa phương chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên…

Phó Tổng Thanh tra đề nghị các cơ quan tiếp dân tại Trụ sở tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ để thực hiện có hiệu quả nội dung Quy chế đã ký; tăng cường công tác kiểm tra tại địa phương với sự tham gia của nhiều cơ quan tiếp công dân tại Trụ sở, nhằm tạo sự thống nhất, tránh sự chồng chéo giữa các cơ quan, trọng tâm kiểm tra là những vụ việc phức tạp, kéo dài để có cơ sở trả lời dứt điểm công dân. Nâng cao công tác phối hợp với các địa phương khi có công dân KN, TC phức tạp tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ.

Về nội dung Quy chế, Phó Tổng Thanh tra yêu cầu sửa đổi bổ sung một số điểm trong quy chế như vấn đề sử dụng con dấu trong hoạt động chung; việc tổ chức ban hành và triển khai công tác tiếp dân phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. “Các cơ quan tiếp dân tại Trụ sở cùng nhau tiến hành công tác đôn đốc, tổ chức, kiểm tra, giám sát công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC. Ban Tiếp công dân TƯ chủ trì lập tổ công tác xem xét việc sửa quy chế; đẩy nhanh việc triển khai sử dụng chung hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu Quốc gia về KN, TC để đảm bảo sự thống nhất từ địa phương đến TƯ”- Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Thái Hải