Giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp là một nội dung rất quan trọng trong việc thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, một số lượng không nhỏ các Tập đoàn, Tổng công ty sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả thấp, chưa phát huy tốt vai trò chủ lực trong nền kinh tế, chưa tương xứng với những lợi thế và sự đầu tư của Nhà nước, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thậm chí, một số doanh nghiệp Nhà nước rơi vào tình trạng thua lỗ, phá sản làm thất thoát một lượng không nhỏ vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, các quy định hiện hành giám sát, kiểm tra đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước hiện nay còn nhiều bất cập, kém hiệu quả, thiếu những chế tài xử lý cụ thể và đủ mạnh, chưa bám sát những thay đổi trong cơ chế quản lý doanh nghiệp.

Chính bởi vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đã nhận được đồng tình cao từ dư luận.

Cho tới thời điểm hiện tại, Dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 4 chương với 32 điều. Trong đó, Dự thảo Nghị định có các nội dung như: Giám sát đối với doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu; hoạt động kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp; xử lý vi phạm và tổ chức thực hiện. 

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về việc giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu, bao gồm các vấn đề như: Mục đích, nguyên tắc giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp; trách nhiệm, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục giám sát, kiểm tra, thanh tra; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong quá trình giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Theo đó, đối tượng của Nghị định được xác định là: Doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc các Bộ, các quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.

Tuy nhiên, những nội dung trên vẫn còn gây nhiều tranh cãi khác nhau. Do đó, theo chỉ đạo của Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh, ngày 1/10, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cùng các cơ quan tham gia xây dựng Nghị định tiếp tục làm việc, đóng góp, lấy ý kiến cho Nghị định. 

Khánh Linh