Đường dây nóng là một trong những hình thức hữu hiệu

Theo kết quả nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Thu Nga, Viện Khoa học Thanh tra về "Tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng", thì đường dây nóng là một trong những hình thức hữu hiệu nhất hiện nay đem đến nhiều dấu hiệu khả quan cho công tác chống tham nhũng

Thời gian vừa qua, thông qua đường dây nóng và hộp thư điện tử, người dân khá tích cực trong việc cung cấp thông tin phản ánh về tham nhũng. Các thông tin phản ánh về tham nhũng nhận được tương đối lớn, toàn diện trên các lĩnh vực nhưng chủ yếu vẫn là đất đai, khoáng sản; thuế, ngân hàng, tài chính, công tác cán bộ; nhận hối lộ của lực lượng công quyền (như cảnh sát, thanh tra giao thông, kiểm lâm, thuế vụ, quản lý thị trường, cán bộ tiếp công dân, hải quan, “chạy” việc làm; xây dựng công trình, dự án, thực hiện chính sách xã hội...), thành lập doanh nghiệp sân sau của cán bộ, công chức, đấu thầu...

Bà Nga cho biết, hiện nay, đường dây nóng của một số cơ quan, địa phương có bộ phận, cán bộ chuyên trách trong tiếp nhận, hoạt động 24/24h, có quy chế tiếp nhận và xử lý rõ ràng, phân giao trách nhiệm cụ thể, khi nhận được thông tin phản ánh, thông tin đã bước đầu được phân loại, sử dụng để nắm tình hình, phục vụ cho việc tiến hành xác minh, điều tra hoặc đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra để phát hiện các xung đột lợi ích, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, thu thập chứng cứ, xử lý các hành vi tham nhũng. 

Đặc biệt, báo chí trong những năm gần đây ngày càng tích cực đăng tin bài phản ánh liên quan đến tham nhũng. Chất lượng thông tin phản ánh về tham nhũng cũng tăng lên rõ rệt khi đăng tải thông tin rất rõ ràng, nội dung tin bài có hình ảnh, số liệu, dẫn chứng rõ ràng, cụ thể, xác thực, tên, tuổi... làm căn cứ cho các cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra, tạo luồng dư luận trong quần chúng nhân dân, buộc các cơ quan nhanh chóng đưa ra kết luận, xử lý nghiêm túc các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chất lượng thông tin phản ánh chưa cao

Tuy nhiên, chất lượng thông tin phản ánh trong nhiều trường hợp chưa cao, chung chung, không rõ về dấu hiệu vi phạm, chủ thể vi phạm, khó khăn trong việc xác minh thông tin. Khác với việc cung cấp thông tin trực tiếp với độ tin cậy cao và sự ràng buộc về trách nhiệm đối với người cung cấp, việc cung cấp thông tin qua đường dây nóng có thể thực hiện bằng sim rác, thông tin không có cơ sở, khó thẩm định.

Thông tin phản ánh trên báo chí, mạng xã hội, phương tiện truyền thông khác do yêu cầu đơn giản nên chính bản thân người nêu thông tin cũng không có sự kiểm chứng lại trước khi đăng lên. Bên cạnh đó, trường hợp thông báo tin không liên quan, lợi dụng các hình thức thông tin phản ánh để bôi nhọ danh dự, cố tình đưa tin sai sự thật, gây rối, gọi điện chửi bới, mạt sát... cũng được ghi nhận ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương.

Thêm nữa, hoạt động một số đường dây nóng chưa có sự công khai, minh bạch, chưa chuyên nghiệp khi chưa có bộ phận chuyên trách tiếp nhận thông tin, nhiều câu hỏi đặt ra như thông tin sau khi tiếp nhận được ghi âm hay được ghi chép lại, phân loại như thế nào, có được xử lý không, theo quy trình nào, có trả lời cho người cung cấp thông tin về kết quả giải quyết hay không vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho người dân bởi chưa có cơ chế giải quyết cụ thể, minh bạch được bảo đảm bởi pháp luật.

Kiểm soát việc bảo mật nguồn tin

"Vấn đề tâm lý lo lắng để lộ danh tính cá nhân người thông tin phản ánh khiến cho người dân chưa thực sự an tâm khi dùng số điện thoại cá nhân để gọi vào đường dây nóng hoặc một số địa phương thiết lập đường dây nóng nhưng quy định bắt buộc người phản ánh phải cung cấp thông tin cá nhân nên chưa huy động được sự tham gia tích cực của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng là một trong những hạn chế", bà Nguyễn Thị Thu Nga khẳng định. 

Hiện ở một số cơ quan, địa phương đã có quy định khá rõ ràng quy trình tiếp nhận và giải quyết thông tin phản ánh của người dân, giao trách nhiệm cụ thể việc tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng nhưng tiến độ giải quyết vẫn còn chậm, hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin ở một số địa phương còn thấp...

Từ thực trạng trên, chủ nhiệm đề tài đưa ra một số giải pháp tổ chức thực hiện việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh như: lựa chọn đội ngũ nhân sự cho bộ phận chuyên trách tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng có năng lực, kinh nghiệm lâu năm, có bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp.

Cần kiểm soát việc bảo mật nguồn tin, nội dung thông tin phản ánh về tham nhũng; tiến hành thiết lập và chấn chỉnh hoạt động của đường dây nóng kèm hộp thư điện tử dành riêng cho việc tiếp nhận thông tin phản ánh về tham nhũng...

Thái Hải