+ Thưa Phó Tổng Thanh tra, năm 2019 là năm ghi nhận nhiều kết quả trong công tác PCTN, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh. Ông có thể nói thêm về kết quả này?

- Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Đúng là như vậy! Với góc độ là cơ quan của Chính phủ, năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về PCTN trên phạm vi cả nước; báo cáo kịp thời các mặt công tác này với Chính phủ.

Như các bạn đã biết, Chính phủ đã có đánh giá khá toàn diện và đầy đủ về công tác PCTN. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của  Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan báo chí, nhân dân, công tác PCTN tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác PCTN, giữ vững niềm tin của nhân dân.

Chính phủ cũng đánh giá, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Trong đó, có kể đến một số kết quả nổi bật như:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, đôn đốc, kiểm tra về PCTN tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh. Chính sách, pháp luật về PCTN được tăng cường, cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến PCTN được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó phải kể đến Luật PCTN năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN được tổ chức bài bản, chặt chẽ hơn. Các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền, thông tin về chính sách, pháp luật PCTN, về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng; đảm bảo nghiêm kỷ luật thông tin.

Thứ ba, công tác phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được mở rộng và có sự điều chỉnh để khắc phục hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện, nhất là những biện pháp phòng ngừa được sửa đổi, hoàn thiện theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ tư, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được đẩy mạnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều vụ án được mở rộng, khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh PCTN.

Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên trách về PCTN tại Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đã tăng cường phối hợp và tiếp tục phát huy vai trò trong PCTN.

+ Việc hợp tác quốc tế về PCTN thế nào, thưa ông?

- Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Hợp tác quốc tế về PCTN được Chính phủ Việt Nam quan tâm, triển khai mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Năm 2019, việc hợp tác này tiếp tục được thúc đẩy và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng kể. Trong năm, đã tổ chức chia sẻ nhiều đoàn cán bộ cấp cao để học hỏi về các kinh nghiệm PCTN tại Cộng hòa Pháp, Đức, Italia... Việc thực thi Công ước của Liên hợp quốc về PCTN được đánh giá đáp ứng tốt các yêu cầu, khuyến nghị, đặc biệt là về “Thu hồi tài sản tham nhũng”.

Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 10 về Sáng kiến PCTN khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề “PCTN trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương”. Tại Hội nghị này, Thanh tra Chính phủ đã một lần nữa giúp các bạn bè quốc tế hiểu được quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn vấn nạn tham nhũng. Đặc biệt là nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài khu vực Nhà nước.

Cũng tại Hội nghị này, Thanh tra Chính phủ tiếp tục được lãnh đạo Chính phủ tin cậy giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hợp tác chặt chẽ với OECD, ADB và các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Sáng kiến để tổng hợp, nghiên cứu những kinh nghiệm thực tiễn tốt, những sáng kiến hay, sáng tạo đã được chia sẻ, thảo luận về nâng cao hiệu quả đầu tư, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng, hối lộ trong các dự án đầu tư hạ tầng. Những sáng kiến này góp phần nâng cao hiệu quả PCTN của Chính phủ Việt Nam.

+ Để công tác PCTN năm 2020 đạt hiệu quả hơn nữa, cần chú trọng những giải pháp nào, thưa Phó Tổng Thanh tra?                                          

- Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Chính phủ chỉ đạo, năm 2020 tập trung thực hiện đồng bộ những  nhiệm vụ sau:

Một là, tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị…

Hai là, tiếp tục triển khai Luật PCTN năm 2018, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội. Rà soát, xác định rõ những cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng; những khâu, những lĩnh vực quản lý còn bị buông lỏng dẫn đến những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất đã lợi dụng để tham nhũng… để từ đó khẩn trương có giải pháp hoàn thiện, khắc phục, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Ba là, tổ chức thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 – 2021 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ; chú trọng đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền; tích cực phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng; chủ động cung cấp, định hướng thông tin tuyên truyền về PCTN.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN ở địa phương, cơ sở; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan chống tham nhũng.

Năm là, tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ; kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tăng cường kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm.

Sáu là, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; quản lý sử dụng đất đai; đầu tư theo hình thức BT, BOT; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; quản lý vốn, tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách Nhà nước… Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Bảy là, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Tám là, tăng cường theo dõi, đánh giá công tác PCTN trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương theo các tiêu chí đã được Luật PCTN năm 2018 quy định; tích cực thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, mở rộng hợp tác quốc tế về PCTN; tăng cường các biện pháp dẫn độ, truy bắt tội phạm tham nhũng bỏ trốn và thu hồi triệt để tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài...

+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Thanh tra!

Thúy Nhài (Thực hiện)