Tại phiên chất vấn, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt vấn đề, vụ Trịnh Xuân Thanh là chuyện “tày trời”, thế nhưng khi bị khởi tố lại “ra đi một cách êm ả”.

“Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an làm rõ trước dư luận về trách nhiệm của Bộ trong việc theo dõi, giám sát, quản lý đối tượng để cho ông Trịnh Xuân Thanh lặng lẽ ra đi, rồi phải phát lệnh truy nã theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”, gây bất bình trong cán bộ đảng viên, nhân dân”.

Trao đổi với báo chí, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, vấn đề ĐB Ngô Văn Minh đặt ra ra là đúng. Tuy nhiên, theo Tướng Vương, chưa công khai trả lời vì vụ án đang trong quá trình điều tra. 

"Đã là điều tra có những thông tin về vụ án đưa ra đôi khi bất lợi, ví dụ như chúng ta đang họp Quốc hội, Trịnh Xuân Thanh cũng đang theo dõi qua mạng. Có những việc diễn ra tại đây, nhưng chỉ một phút sau lên mạng hết vì thế giới phẳng. Khi vụ án đến giai đoạn kết thúc điều tra tất cả mọi việc sẽ được làm sáng tỏ", Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Trước ý kiến, tên Trịnh Xuân Thanh chưa có trên mạng của Interpol, Thượng tướng Lê Quý Vương  thông tin, qua kiểm tra thấy Ban Thư ký của Interpol đã ra lệnh truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh từ ngày 29/9/2016, sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan điều tra Việt Nam.

"Lệnh truy nã này là truy nã đỏ, nhiều nước đã nhận được", Thượng tướng Lê Quý Vương cho hay, Đại hội đồng Interpol là tổ chức chặt chẽ, truyền thống hoạt động đến nay đã gần 100 năm, Việt Nam ra nhập tổ chức Interpol từ năm 1991, nghĩa là được 25 năm.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an, đối với một vụ án như Trịnh Xuân Thanh không phải là chuyên án trinh sát nên không thể nói lực lượng Công an áp dụng các biện pháp liên hoàn được.

"Đây là vụ án nhận kết quả từ công tác thanh tra, kiểm tra. Khi tiếp nhận hồ sơ phải có một quá trình nghiên cứu theo quy trình giải quyết về tin báo tố giác tội phạm, nên phải có thời gian. Đây là một cái khó cho lực lượng công an”, ông nói.

Tất cả những vấn đề trong vụ án phải xem xét phải nghiên cứu, trong khi vụ này xảy ra từ năm 2008 - 2013. Hơn nữa, Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam có 43 công ty. “Thời điểm đó họ cùng thực hiện 67 dự án, công trình, nhiều công trình đang làm dở dang chưa quyết toán, tất cả những yếu tố đó đặt ra áp lực lớn về công tác điều tra", Thượng tướng Lê Quý Vương, cho biết.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng nói thêm, liên quan đến kinh tế với hành vi làm trái gây hậu quả theo quy định của pháp luật phải có giám định như giám định về tài chính, kỹ thuật...

Thảo Nguyên