Tặng quà, chạy chức - biểu hiện của XĐLI

Kiểm soát XĐLI trong hoạt động công vụ là quá trình tác động nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ những nguyên nhân làm nảy sinh XĐLI, đồng thời để nhận biết, giám sát, theo dõi và xử lý XĐLI khi những tình huống này nảy sinh.

Ở Việt Nam, một số cán bộ có chức năng quản lý Nhà nước (QLNN) đồng thời là chủ sở hữu những doanh nghiệp Nhà nước lớn; lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước lớn thường có khả năng trở thành lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước cấp bộ, do vậy, nguy cơ xuất hiện XĐLI trong thực thi công vụ của những cá nhân này luôn tiềm ẩn.

Mặt khác, hiện tượng một số cá nhân có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng thẩm quyền ra quyết định của mình để giành sự ưu ái cho những tổ chức, cá nhân có quan hệ thân tín với mình. XĐLI cũng tiềm tàng trong việc thực hiện nhiệm vụ QLNN, đó là việc pháp luật quy định cơ chế trích lại phần trăm trên tổng giá trị vật chất thu hồi được do phát hiện sai phạm từ hoạt động của cơ quan QLNN hiện nay, đó là kẽ hở để XĐLI nảy sinh.

Đặc biệt, XĐLI được biểu hiện rõ nhất là hiện tượng "tặng quà" cho cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) thực thi nhiệm vụ. Lĩnh vực thường nảy sinh việc tặng và nhận quà nhất là nhóm cung cấp dịch vụ công, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của đối tượng quản lý. Đối tượng thực hiện việc "tặng quà" là doanh nghiệp, người dân khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ công, khi là đối tượng của hoạt động thanh tra, kiểm tra. Mục đích "tặng quà" cho CB,CC,VC nhằm giảm chi phí phải nộp khi có hành vi vi phạm hoặc đơn giản là thiết lập mối quan hệ thân thiết với CB,CC,VC.

Ngoài ra, XĐLI cũng xảy ra từng việc bố trí CB,CC,VC vào vị trí quản lý hoặc có thể ra quyết định tác động trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp, người dân. Hay việc người dân lợi dụng, thậm chí là lạm dụng mối quan hệ thân quen đó để trục lợi, móc nối, chạy công trình, dự án và việc CB,CC,VC có chức, có quyền lợi dụng quyền lực được giao để tìm đầu mối hay giao đặc quyền cho người thân thì XĐLI sẽ xảy ra...

Hạn chế CB, CC, VC làm thêm

Để kiểm soát XĐLI, cần xây dung thiết lập cơ chế kiểm soát XĐLI chung trong Luật Phòng, chống tham nhũng có đủ ba yếu tố, đó là: Có thể giảm thiểu nguy cơ phát sinh tình huống XĐLI tiềm tàng trong hoạt động công vụ của CB,CC,VC; kiểm soát và loại bỏ được các khoảng trống trong hoạt động quản lý có thể tạo ra XĐLI trong hoạt động công vụ; kịp thời phát hiện và theo dõi, giám sát và xử lý XĐLI khi những tình huống này phát sinh. Cơ chế kiểm soát XĐLI trong hoạt động công vụ được xây dựng cần mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh đối với các đối tượng thân thích khác của CB,CC,VC như vợ/chồng, anh, chị em ruột, bố/mẹ...

Đồng thời, thiết lập chế định riêng về kiểm soát XĐLI trong Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó cần thể hiện các dấu hiệu nhận diện tình huống XĐLI trong hoạt động công vụ; nguyên tắc giải quyết, các hình thức xử lý vi phạm; trình tự, thủ tục, thẩm quyền quản lý XĐLI; thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật XĐLI...

Bên cạnh đó, cần rà soát và chuẩn hóa hệ thống quy phạm pháp luật hiện hành về kiểm soát XĐLI trong hoạt động công vụ, quá trình này chú trọng đến hoàn thiện pháp luật về công khai, minh bạch, bảo đảm thực thi công vụ theo hướng bổ sung, hoàn thiện các quy định đảm bảo hiệu quả thực thi trên thực tế; đảm bảo thực thi các quy định hạn chế điều kiện tham gia hoạt động công vụ CB,CC,VC, trong đó sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về kiểm soát xung đột trong hoạt động công vụ; sửa đổi bổ sung Luật CB,CC,VC theo hướng công khai minh bạch tất cả các khâu của quy trình và đảm bảo thực thi để mọi chủ thể trong xã hội có thể giám sát và đảm bảo khách quan, minh bạch; hạn chế CB,CC,VC làm thêm bên ngoài và làm thêm sau khi nghỉ hưu cho phù hợp với đặc thù và yêu cầu trong từng ngành nghề, lĩnh vực để tăng cường hiệu quả hoạt động công vụ của CB,CC,VC.

Để kiểm soát XĐLI trong hoạt động công vụ thực sự có hiệu quả, cần một cơ chế vừa để công khai những lợi ích cá nhân của CB,CC,VC, vừa để kiểm soát tài sản thu nhập để đảm bảo tất cả các tài sản thu nhập của CB,CC,VC đều được kiểm soát và có thể giải trình, những tài sản không giải trình được nguồn gốc sẽ bị tịch thu công quỹ. Đồng thời, mở rộng phạm vi đối tượng có liên quan đến CB,CC,VC thuộc nhóm phải kê khai ra cả đến người thân trong gia đình CB, CC,VC; quy định cụ thể về cơ chế điều tra, xác minh XĐLI trong hoạt động công vụ để đảm bảo hiệu quả thực hiện trên thực tế, có đủ các hình phạt nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa sự vi phạm, ngăn chặn nguy cơ tái phạm quy định pháp luật về kiểm soát XĐLI trong hoạt động công vụ.

Thái Hải