Dự thảo Nghị định có 6 chương với 23 điều, bao gồm: Phạm vi điều chỉnh (Chương 1); Tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập (Chương 2); Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các ban tiếp công dân, việc bố trí cơ sở vật chất của Trụ sở Tiếp công dân; tiêu chuẩn của địa điểm tiếp công dân (Chương 3); Quy chế hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân (Chương 4); Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân quy định kinh phí hoạt động tiếp công dân; Chế độ, chính sách đối với người làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư (Chương 5); Điều khoản thi hành (Chương 6). 

Ông Nguyễn Văn Kim, hàm Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết, Dự thảo quy định các cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân của cơ quan mình. Tuỳ theo tính chất, đặc điểm, quy mô về tổ chức và hoạt động, yêu cầu công tác giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC), kiến nghị, phản ánh mà thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ bố trí bộ phận chuyên trách hoặc người chuyên trách thuộc thanh tra cơ quan làm công tác tiếp công dân. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có liên quan đến việc giải quyết công việc, chế độ, chính sách, quyền, lợi ích của công dân, tổ chức phải tổ chức việc tiếp công dân đến KN, TC, kiến nghị, phản ánh. Việc tổ chức tiếp công dân tại đơn vị sự nghiệp công lập do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp hoặc do cơ quan quản lý Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập quyết định. 

Tại Điều 5, Dự thảo quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền của ban tiếp công dân. Cụ thể: Tổ chức việc tiếp công dân đến KN, TC, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở; phân loại, xử lý đơn thư KN, TC, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận tại ban tiếp công dân, Trụ sở Tiếp công dân; tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư KN, TC, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận qua đường bưu điện, do các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chuyển đến ban tiếp công dân, Trụ sở Tiếp công dân; theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị có  thẩm quyền xử lý, trả lời về việc giải quyết KN, TC, kiến nghị, phản ánh mà ban tiếp công dân, Trụ sở Tiếp công dân chuyển đến… 

Tại hội thảo, các đại biểu ghi nhận tinh thần làm việc hết sức khẩn trương của Tổ Biên soạn và các nội dung được quy định trong Dự thảo. Các đại biểu cho rằng, muốn công tác tiếp công dân đạt hiệu quả thì ban tiếp công dân phải có địa vị pháp lý tương xứng. Ngoài ra, ban tiếp công dân phải chú trọng mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, nhất là cơ quan Trung ương ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong việc chia sẻ thông tin. 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị nội dung Dự thảo cần chi tiết hơn, nhằm việc thực thi được hiệu quả và dễ dàng. Liên quan đến chế độ chính sách cho người làm công tác tiếp dân, các đại biểu kiến nghị tăng thêm mức bồi dưỡng cho người làm công tác tiếp dân do đặc thù công việc áp lực cao, khó khăn và phức tạp. Nhất là, cần có chế độ ưu đãi cho công tác tuyển dụng cán bộ tiếp công dân.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại điện Tổ Biên soạn cho biết, sẽ lựa chọn để bổ sung những ý kiến hữu ích để đưa vào Dự thảo nhằm sớm ban hành Nghị định.

Nguyễn Dung