Ngày 13/1, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2020.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành Thanh tra rất nặng nề.

“Bằng sự đoàn kết, nhất trí, không ngừng phấn đấu vươn lên, năm 2019, toàn ngành Thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho, các mặt công tác đều có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kiến nghị thu hồi về ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2019, toàn ngành đã triển khai hơn 6.600 cuộc thanh tra hành chính và  hơn 227.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 173.000 tỷ đồng, hơn 22.000ha đất.

Từ đó, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước gần 84.000 tỷ đồng và gần 900ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 94 vụ, 121 đối tượng.

Đặc biệt, đã tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như thanh tra toàn diện dự án Gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2); thanh tra tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh); thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng)…

“Ngành đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm pháp luật; chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật. Việc thu hồi tài sản vi phạm phát hiện qua các cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành trong thời gian vừa qua đã có những tiến bộ đáng kể”, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.

Ngành Thanh tra đã phát huy được vai trò nòng cốt trong việc tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị của Đảng, Chính phủ, các Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có những chuyển biến rõ nét, nhất là thúc đẩy việc giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.

So với năm 2018, số đoàn đông người giảm 4,9%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 12,2%, tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cao hơn năm trước.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Hương Giang

 

Củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước

Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 66 tỷ đồng, trên 15ha đất; trả lại quyền lợi cho 1.433 người, kiến nghị xử lý hành chính 399 người, chuyển cơ quan điều tra 13 vụ, 126 đối tượng.

Theo ông Liêm, điều này đã góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội, phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Công tác phòng, chống tham nhũng thì tiếp tục được đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ và đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế.

Trong năm 2019, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Từ đó, phát hiện 106 đơn vị có vi phạm thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch; 338 vụ việc với 413 người vi phạm các chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Các cơ quan có thẩm quyền cũng xử lý 42 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác 9.150 cán bộ, công chức, viên chức…

Bên cạnh những kết quả, thành tích, tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác của ngành Thanh tra vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là, vẫn còn một số cuộc thanh tra kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra; chất lượng các kết luận thanh tra đã có tiến bộ nhưng một số cuộc chưa cao, kiến nghị xử lý còn chưa phù hợp, không chặt chẽ, không khả thi.

Trong khi đó, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc giải quyết còn chậm, kéo dài, khi giải quyết còn nhiều sai sót; kết quả triển khai thực hiện Luật Tố cáo năm 2018 chưa đồng đều.

“Tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn có hiệu quả như chúng ta mong muốn. Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, thậm chí trong chính ngành Thanh tra, gây dư luận bất bình trong quần chúng, Nhân dân”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình chỉ ra.

Ngoài ra, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế; số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít trong tương quan so với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra, kiểm toán; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng nhìn chung còn thấp…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hương Giang

 

Thanh tra dự án “trùm chăn, đắp chiếu”, có dấu hiệu tham nhũng

Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, là năm cuối của Kế hoạch 5 năm (2016-2020); năm Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào năm 2021.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị, thực hiện tốt kế hoạch thanh tra năm 2020, gắn với thanh tra đột xuất để làm rõ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Kịp thời chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý, trong thực thi pháp luật; sửa đổi những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách và xử lý các vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra.

Cùng với đó, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2018, nhất là thực hiện tốt Quy định số 11 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, không để phát sinh “điểm nóng”.

Theo Phó Thủ tướng, người đứng đầu các cấp phải tiếp dân, lắng nghe ý dân, sai thì phải sửa. Còn đã giải quyết đúng thì phải giải thích để người dân rõ. “Không được có thái độ, cứ nghe dân khiếu nại là bảo “chây ì”, “đã giải quyết rồi vẫn khiếu nại mãi”, ông Trương Hoà Bình nói.

Thực tế, nhiều vụ việc địa phương giải quyết rồi, nhưng khi cơ quan Trung ương vào xem xét thì thấy sai và đã xử lý, đem lại quyền lợi hợp pháp cho người dân. “Chúng ta là cán bộ công bộc của dân thì phải lắng nghe, gần dân, từ đó mới mang lại công lý, lẽ phải tạo được sự đồng thuận trong xã hội, đất nước phát triển”, Phó Thủ tướng nói tiếp.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu, tập trung thanh tra những vụ việc có dầu hiệu tham ô, lãng phí nghiêm trọng, các dự án “trùm chăn, đắp chiếu”; quan tâm triển khai thi hành những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước…

Riêng với ngành Thanh tra, theo Phó Thủ tướng, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp thanh tra và trong xây dựng ngành, nâng ngành lên ngang tầm nhiệm vụ để tạo được sự chuyển động mạnh mẽ, tích cực và toàn diện hơn. “Phải xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra có đạo đức, trung thành, tận tuỵ, gương mẫu”, Phó Thủ tướng nói.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh sẽ cụ thể hoá để triển khai trong toàn ngành.

Đất nước có kỷ cương, không thể để số ít phần tử xấu gây rối

Hiện nay, tại Ban Tiếp công dân Trung ương vẫn còn khoảng trên 80 người dân khiếu nại, tố cáo. “Lãnh đạo các địa phương, tích cực phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, TP Hà Nội đưa người dân về địa phương để bà con ăn Tết”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh, phải tập trung giải quyết để “bà con về quê ăn Tết vui vẻ, chứ mùa Đông Hà Nội lạnh lắm!”

Theo lãnh đạo Chính phủ, trong những đoàn đông người có nhiều bà con khiếu nại đúng, nhưng cũng có một số người không phải là người liên quan đến vụ việc vẫn tập trung gây rối, gây mất an ninh trật tự.

“Đằng sau những người này có những đối tượng xấu, phản động xúi giục, kích động. Đề nghị Bộ Công an, TP Hà Nội cùng các địa phương có công dân khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp phân loại rõ.

Trường hợp nào bà con khiếu nại chính đáng, đúng thì tập trung giải quyết. Trường hợp nào đã giải quyết rồi mà bà con chưa đồng tình thì xem kỹ lại để giải quyết thấu tình, đạt lý. Còn trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh trật tự thì xử lý. Một đất nước có kỷ cương, phép nước, không thể để số ít phần tử xấu kích động gây rối”, Phó Thủ tướng lưu ý.

“Tôi rất hiểu các đồng chí gặp rất nhiều áp lực khi thanh tra”

“Tôi rất hiểu các đồng chí đã gặp rất nhiều áp lực khi tiến hành thanh tra, kết luận những vụ việc đặc biệt phức tạp, nghiêm trọng”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình chia sẻ.

Theo Phó Thủ tướng, các cuộc thanh tra như AVG, Gang thép Thái Nguyên, Cảng Quy nhơn, Bán đảo Sơn Trà, Thủ Thiêm... là những vụ việc rất phức tạp, đụng chạm rất lớn. Tuy nhiên, với chức trách, quyết tâm, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận được xã hội đồng tình.

“Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng vào chất lượng kết quả thanh tra vì đã tạo được sự đồng thuận của xã hội. Kết luận chính xác, thấu tình, đạt lý”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh, còn một số vụ việc thanh tra phức tạp cần tiếp tục làm, đề xuất những kiến nghị khách quan, chính xác.

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm được trao Huân chương Lao động hạng Nhì

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng thưởng cho Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2013 đến năm 2017, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng thưởng cho Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm. Ảnh: Hương Giang

 

Ngoài ra, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã trao Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ cho 15 tập thể đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của ngành Thanh tra năm 2019.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn trao tặng Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ cho 18 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2018, 2019.

Hương Giang