Tại buổi tiếp, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh thay mặt cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) chào mừng đoàn đã đến thăm và làm việc với TTCP. Đồng thời nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam rất coi trọng công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (PCTN), coi đây là nhiệm vụ quan trọng và là một trong những ưu tiên hàng đầu để đảm bảo cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Phó Tổng Thanh tra cho biết, TTCP Việt Nam rất coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia. Hai cơ quan đã ký Thỏa thuận Hợp tác song phương về PCTN từ tháng 4/2010. Từ đó đến nay, tiến hành nhiều chuyến thăm và trao đổi đoàn nhằm trao đổi thông tin, nghiệp vụ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Vào tháng 7 vừa qua, TTCP đã cử một đoàn cán bộ sang thăm và làm việc với Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia và được đánh giá rất hữu ích, học tập được rất nhiều kinh nghiệm về PCTN.

“Chúng tôi đánh giá rất cao những kinh nghiệm trong công tác PCTN của Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia và luôn mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của các bạn” - Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh và bày tỏ hi vọng, trong chuyến thăm lần này, cán bộ hai cơ quan sẽ có cơ hội để tìm hiểu về cơ cấu, tổ chức của hai cơ quan và các kinh nghiệm thực tiễn trong công tác điều tra tham nhũng.

Phó Tổng Thanh tra gửi lời chào đến Chủ tịch Datuk Dzulkifli Bin Ahmad và hi vọng Chủ tịch sẽ sang thăm và làm việc với Việt Nam trong thời gian tới.

Cảm kích trước tình cảm mến khách của TTCP, ông Salali Bin Salbi hy vọng trong tương lai hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực PCTN.

Ông  Salali Bin Salbi khẳng định, Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia rất coi trọng hợp tác giữa Việt Nam - Malaisya và sẵn sàng cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm  về công tác PCTN của mình cho nước bạn.

Ngay sau buổi tiếp xã giao, đoàn đã có buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong công tác PCTN với TTCP.

Tại buổi tọa đàm, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng đã giới thiệu về Cục Chống tham nhũng và cơ quan chống tham nhũng ở Việt Nam, đồng thời trình bày kết quả thực hiện công tác thanh tra, PCTN tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, cơ quan chống tham nhũng đứng đầu là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và 3 đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng: Cục Chống tham nhũng, TTCP; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) trực thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an); Vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5) thuộc Viện KSND Tối cao.

Riêng Cục Chống tham nhũng có nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác PCTN; tiếp nhận, thu thập, xử lý đơn thư tố cáo về PCTN; thanh tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; tổng hợp báo cáo kết quả công tác PCTN…

Kết quả điều tra, truy tố, xét xử về tham nhũng, phía TTCP cho biết, năm 2016 cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 254 vụ án, 627 bị can phạm tội tham nhũng; viện kiểm sát các cấp đã truy tố 264 vụ, 635 bị can về các tội danh tham nhũng; tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 159 vụ, 427 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Đặc biệt có 4 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng…

Chia sẻ công tác PCTN của mình tại buổi tọa đàm, phía Mailaysia cho biết, việc PCTN được thông qua Vụ Chiến lược và Truyền thông thuộc Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia. Vụ này có vai trò tuyên truyền về công tác PCTN trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo mạng, các mạng xã hội. Vụ có nhiệm vụ giám sát thông tin truyền thông được đăng tải, cử cán bộ quản lý những thông tin đó, sau đó sẽ xử lý các thông tin được đăng tải. Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia cũng phải kiểm tra, xem xét, kiểm định các thông tin đăng tải xem những thông tin đó có chính xác không?

Ngoài ra, Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia còn phối hợp với một công ty ngoài để giám sát nội dung thông tin phản ánh về tham nhũng. Công ty này phải trình những báo cáo theo quý để tổng hợp thông tin có ý nghĩa tích cực, tiêu cực và từ đó phân tích để đưa ra kế hoạch, biện pháp xử lý những thông tin không đúng, không chính xác về Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia cũng có những bảng đánh giá những thông tin về Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia được báo chí đưa lên.

Về công tác giám sát nội bộ thì Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia có cơ chế kiểm tra về thái độ tích cực hoặc tiêu cực của báo chí  khi viết về Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia. Trên cơ sở đó, nếu có thông tin không chính xác phải sửa lại để sử dụng trong các buổi diễn thuyển hoặc hội thảo phục vụ cho công tác tuyên truyền PCTN.

“Tại Malaysia, chúng tôi rất coi trọng vai trò của thông tin truyền thông trong công tác PCTN. Truyền thông không chỉ giúp chúng tôi giám sát được thái độ của công chúng đối với Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia mà còn tiếp nhận được nhiều thông tin về tham nhũng; đồng thời giúp chúng tôi tuyên truyền sâu rộng về công tác PCTN cho người dân” - đại diện phía Malaysia nhấn mạnh.

Thái Hải