Chiều 31/8, Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) phối hợp với Bộ Công an ra mắt các tài liệu liên quan đến phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thể thao và điều tra dàn xếp trận đấu.

Lợi nhuận khổng lồ

Thể thao mang lại sức khỏe, là niềm vui, sự hứng khởi cho hàng tỷ người hâm mộ trên thế giới. Với Việt Nam, nền thể thao không ngừng phát triển và đã được những tiến độ đáng khích lệ. Tuy nhiên, niềm vui, sự hứng khởi mà thể thao mang lại có thể dễ dàng bị hủy hoại bởi những hành vi vi tiêu cực, tham nhũng.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho hay, trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam, những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong thể thao như lối lộ, đặc biệt là mua bán độ, cá cược bất hợp pháp ngày càng phổ biến.

“Lợi nhuận thu được từ mua bán độ, cá cược bất hợp pháp, dàn xếp tỷ số trận đấu thể thao rất lớn đã thúc đẩy cá cược, đường dây tổ chức cá độ diễn biến phức tạp tại Việt Nam với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, phạm vi xuyên quốc gia”, Thiếu tướng Tiến nói và nhấn mạnh, đây là thách thức không nhỏ.

Trong Lời nói đầu “Thực tiễn tốt trong điều tra dàn xếp trận đấu”, ông Yuri Fedotov, Tổng Giám đốc UNODC cũng cho rằng, tham nhũng và sự dính líu của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong thể thao làm suy yếu niềm tin vào kết quả trận đấu, hủy hoại danh tiếng của cá nhân hay tổ chức. “Lợi nhuận khổng lồ được tạo ra từ sự dàn xếp tỷ số có thể lại được đổ vào các hành vi bất hợp pháp khác”, ông Yuri Fedotov lưu ý.

Cần chế tài đủ sức răn đe

Thời gian qua, Việt Nam đã phát hiện và xử lý một số vụ liên quan đến đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá độ bất hợp pháp, kể cả đưa hối lộ, nhận hối lộ trong thể thao. “Các câu lạc bộ khi muốn tỷ số có lợi cho họ đã đưa tiền cho trọng tài hay cầu thủ để dàn xếp tỷ số thì ta xử theo hành vi đưa hối lộ”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến dẫn ví dụ.

Làm thế nào để giải quyết các mối nguy cơ từ vấn nạn này? Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự cho rằng, trước hết cần có hành lang pháp lý lành mạnh, chế tài đủ sức răn đe đối với tất cả các đối tượng, không phải chỉ với vận động viên, quan chức thể thao, mà còn các đối tượng khác dính líu đến hành vi gian lận. Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế để thực hiện hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thể thao.

Còn theo UNODC, cách tốt nhất là thông qua cách tiếp cận đa ngành; tập trung vào nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức thể thao. Như vậy, sẽ giúp tận dụng được năng lực chuyên môn của nhiều tổ chức, kể cả các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân.

Nâng cao nhận thức giải quyết các mối nguy cơ

Các tài liệu về “Điều luật mẫu nhằm truy tố thao túng trận đấu”, “Thực tiễn tốt trong điều tra dàn xếp trận đấu”, “Hướng dẫn xây dựng và thực hiện Chiến lược Phòng, chống tham nhũng quốc gia” do UNODC dịch sang tiếng Việt và công bố được các chuyên gia đánh giá là nguồn tư liệu tham khảo quý báu đối với các cơ quan Việt Nam.

“Các tài liệu nhằm giúp các cơ quan thực thi pháp luật và các tổ chức thể thao ở Việt Nam xử lý hiệu quả hơn vấn đề tiêu cực, tham nhũng trong thể thao nói chung, nâng cao hơn nữa nhận thức của các nhà hoạch định chính sách, các điều tra viên, các cán bộ lập pháp về cách thức giải quyết các mối nguy cơ gây ra bởi nạn dàn xếp trận đấu nói riêng”, ông Christopher Batt, phụ trách UNODC tại Việt Nam cho hay.

Theo ông Christopher Batt, hiện nay ngày càng có nhiều sự quan tâm đến vấn đề tiêu cực, tham nhũng trong thể thao, đặc biệt là vấn đề dàn xếp trận đấu. Tuy nhiên, đây vẫn là hoạt động hầu như không có rủi ro cho những đối tượng thực hiện các hành vi này.

Nguyên nhân được đưa ra là do sự thiếu thống nhất trong các biện pháp hình sự hóa, các phương pháp lập pháp để chống lại. Mặt khác, vì đây không phải là vấn đề được ưu tiên, các kỹ năng điều tra mà các cơ quan thực pháp pháp luật và các tổ chức thể thao cần có để phát hiện, bắt giữ những người có hành vi vi phạm còn tương đối hạn chế.

Hương Giang