Quà phi vất chất không trả lại, nộp lại được

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, hiện thiếu cơ chế giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vi phạm về nhận, tặng quà; thiếu biện pháp xử lý cụ thể; chưa khắc phục được việc tặng và nhận quà đối với người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ...

Khắc phục bất cập, Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có những quy định mới về tặng quà và nhận quà tặng. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

“Khi được tặng quà, cán bộ, công chức, viên chức phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được thì phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và công khai danh tính của người tặng quà. Việc quản lý, sử dụng quà tặng được nộp lại thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”, dự luật quy định rõ.

 “Đề nghị xem lại. Nghe thì hay nhưng sợ không khả thi”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói và nhấn mạnh, “Điều 354 (Tội nhận hối lộ - PV), Điều 364 (Tội đưa hối lộ - PV) Bộ luật Hình sự, có thể có loài quà phi vật chất, mà quà phi vật chất thì không trả lại được và không nộp lại được cho cơ quan. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cũng không có quy định nào về nộp và sử dụng quà tặng”.

Ông Định nói tiếp, “thuộc phạm vi quản lý thì không biết thế nào là phạm vi quản lý. Ví dụ, ông Chủ tịch tỉnh phạm vi quản lý là cả tỉnh, bao gồm cả vợ, chồng, con cái. Mà con muốn tặng quà sinh nhật cho bố, bố bảo không được vì luật cấm rồi thế thì khó lắm. Vấn đề này, cần phải quy định cụ thể hơn, phải gắn với thực tiễn cuộc sống”.

Về người thân thích của người có chức vụ quyền hạn, dự thảo liệt kê gồm “vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cần tính kỹ thêm. “Bố mẹ chết rồi ở với ông, bà ruột thì sao? Rồi cô, dì, chú, bác, cậu! Rồi em chồng, chị dâu, em rể có khi còn thân hơn em ruột. Nên cần tính thế nào để cho phù hơp”.

Hầu như chỉ nộp lại quà tặng khi bị phát hiện sai phạm

Câu chuyện tặng quà, nộp lại quà tặng, nhất là vào dịp lễ, tết luôn là vấn đề “nóng”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ban Bí thư, trong đó nghiêm cấm tặng quà, nhận quà dưới mọi hình thức.

Thủ tướng cũng chỉ đạo kiểm tra, rà soát và yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng các bộ, ngành, địa phương nhận xe ô tô do doanh nghiệp biếu tặng, đặc biệt là các doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quản lý; đồng thời thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ các xe ô tô đã tiếp nhận trước đây theo đúng quy định về quản lý tài sản nhà nước và sử dụng đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Nhờ vậy, một số địa phương đã trả lại, không tiếp nhận xe do doanh nghiệp biếu tặng như Cà Mau trả lại 2 xe, TP Đà Nẵng trả lại 1 xe. Ở Bình Thuận, có 2 trường hợp trả lại quà tặng với số tiền 12 triệu đồng.

Nhưng, theo Ủy ban Tư pháp đánh giá, việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỉ… Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi có phát hiện sai phạm.

Gần đây, trong vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, các bị cáo khai nhận đã chi tiền "hoa hồng" cho bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỷ đồng để được bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Hay đại án xảy ra tại Oceanbank, ông Ninh Văn Quỳnh thừa nhận và nộp lại 20 tỷ đồng đã nhận của Nguyễn Xuân Sơn… khiến dư luận rất bức xúc.

Theo các chuyên gia, nhận quà, tặng quà liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và phòng, chống tham nhũng cần được đánh giá, nghiên cứu để có quy định ngăn chặn tình trạng này.

“Tặng quà, nhận quà, tôi cho rằng cần phải quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn để khi thực thi phù hợp với thực tế và văn hóa ứng xử của người Việt Nam”, Chủ tịch Quối hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.

 

Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới

- Israel:Luật Công vụ quy định rằng, quà tặng có giá trị vượt quá giá trị kinh tế tối thiểu được đưa cho công chức khi công chức đó thực hiện công vụ của mình thì được coi là tài sản nhà nước. Vì thế, công chức đó phải nộp quà tặng đó về Kho bạc nhà nước.

Một ngoại lệ là công chức có thể xin phép được giữ lại quà tặng mà người đó nhận được. Tuy nhiên, đề nghị đó sẽ không được chấp nhận nếu quà tặng đó có giá trị đối với Nhà nước, ngoài giá trị kinh tế, hoặc nếu việc cho phép công chức giữ lại món quà đó có thể gây tổn hại đến đạo đức công vụ.

Công chức bắt buộc phải báo cáo về quà tặng đã nhận được và phải xử lý nó theo đúng quy định của pháp luật. Bất kỳ vi phạm nào đối với những quy định của Luật này cũng được coi là tội phạm hình sự.

- Romania:Luật về quy tắc ứng xử dành cho công chức và Luật về quy tắc ứng xử dành cho cán bộ hợp đồng; các Bộ quy tắc ứng xử riêng dành cho Cảnh sát, Hải quan và Cơ quan phòng chống rửa tiền quốc gia có quy định, công chức không được phép gạ gẫm hoặc nhận, trực tiếp hoặc gián tiếp, cho bản thân mình hoặc cho người khác, bất kỳ lợi thế hoặc lợi nhuận nào trong khi giữ chức vụ, hoặc lạm dụng chức vụ đó dưới bất kỳ hình thức nào.

Công chức không được phép đòi hỏi hoặc nhận quà tặng, các dịch vụ, ơn huệ, lời mời hoặc bất kỳ lợi thế nào khác cho mình, gia đình mình, bố mẹ, bạn bè hoặc những người mà mình có quan hệ kinh doanh hoặc quan hệ chính trị - những điều có khả năng ảnh hưởng đến sự công bằng của công chức trongquátrình thực thi công vụ.

 

Thảo Nguyên