Khiếu nại phức tạp, có nhiều hành vi manh động

Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ Nguyễn Hồng Điệp cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình khiếu nại (KN) của công dân trong phạm vi cả nước cũng như tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 7 Hội nghị TƯ Đảng Khóa XII và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV.

Số lượng công dân tập trung tại khu vực trung tâm thành phố, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tòa nhà Quốc hội, Trụ sở các cơ quan TƯ gia tăng và có nhiều hành vi manh động như đe dọa tự thiêu, tấn công lực lượng công an đang làm nhiệm vụ... Một số đoàn đông người của các tỉnh và công dân khiếu kiện chây ì của một số đoàn địa phương căng băng rôn, khẩu hiệu nhằm gây áp lực đối với các cơ quan TƯ yêu cầu được giải quyết, gây mất an ninh trật tự.

Tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ, tình hình an ninh được đảm bảo trong khuôn viên Trụ sở, công dân được đón tiếp, hướng dẫn đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phía trước Trụ sở tại Hà Nội, tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp, một số công dân khiếu kiện đơn lẻ, đeo bám khiếu kiện dựng lều lán khu vực vỉa hè hai bên cổng để ở và đun nấu, ăn uống, gây mất mỹ quan và thu hút người đi đường. Một số đoàn công dân khi được vận động từ trung tâm thành phố về Trụ sở có thái độ quá khích, lăng mạ lực lượng bảo vệ, căng băng rôn, hô khẩu hiệu, điển hình là các đoàn công dân các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh...

Trong 6 tháng đầu năm, Trụ sở đã tiếp 8.333 lượt công dân đến trình bày 2.407 vụ việc. Số đoàn đông người tập trung khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân là 236 đoàn, tăng 227,6 % so với cùng kỳ năm 2017.

Nội dung tập trung chủ yếu là một số lĩnh vực như liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng là 1.188 vụ việc, chiếm 49,3%; án tư pháp 16,6%; hành chính 13,8%; tham nhũng 29 vụ việc chiếm 1,2%...

Cũng trong thời gian vừa qua, Trụ sở đã tiếp nhận 7.586 đơn thư, đã xử lý 7.400 đơn thư, trong đó có 2.157 đơn đủ điều kiện xử lý. Qua xử lý đã phát hành 1.881 văn bản hướng dẫn công dân KN và 276 văn bản chuyển đơn của cơ quan có thẩm quyền giải quyết... đến kết quả triển khai, thực hiện nhiệm vụ.

Làm tốt việc điều phối hoạt động của các cơ quan tham gia tiếp dân

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban cũng nhận thấy còn nhiều khó khăn ảnh hưởng kết quả công tác như: Hệ thống văn bản pháp luật còn chung chung, đặc biệt là đất đai còn thiếu sự đồng bộ và chưa phù hợp với thực tế, thay đổi thường xuyên, trong khi đó công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư liên quan đến nhiều lĩnh vực nên việc nắm bắt các văn bản để trả lời công dân gặp nhiều khó khăn; việc kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong tiếp công dân và xử lý đơn thư còn hạn chế; một số địa phương, bộ, ngành lãnh đạo chưa quan tâm thỏa đáng đến công tác tiếp dân; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KN,tố cáo (TC) đưa vào sử dụng nhưng chưa ổn định, khai thác dữ liệu không chính xác gây khó khăn cho công tác tham mưu, tổng hợp, báo cáo; lực lượng chuyên môn còn thiếu so với biên chế được giao hàng năm...

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TH

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đánh giá cao những kết quả đạt được trong 6 tháng qua của Ban Tiếp công dân TƯ. “Ban đã nỗ lực, đoàn kết, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư tiếp tục được nâng lên”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, Phó Tổng Thanh tra đề nghị, Ban Tiếp công dân TƯ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư; hạn chế tình trạng công dân tập trung đông người, dài ngày tại Trụ sở để khiếu kiện; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện tiếp công dân, xử lý đơn thư tại các địa phương.

Mặt khác, làm tốt việc điều phối hoạt động của các cơ quan tham gia tiếp dân tại Trụ sở, tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp giữa 9 cơ quan tiếp dân tại Trụ sở; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tiếp dân và xử lý đơn thư; tăng cường công tác theo dõi đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết KN,TC thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương có công dân khiếu kiện; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc hoàn thiện Hệ thống dữ liệu Quốc gia về KN,TC trong cả nước.

Đặc biệt, Phó Tổng Thanh tra yêu cầu Ban cần phải soạn thảo và sửa chữa, bổ sung một số quy chế công tác về việc tăng cường mối quan hệ tiếp dân với 3 Cục phụ trách địa bàn thuộc Thanh tra Chính phủ trên cơ sở quan tâm đến công tác giải quyết KN,TC. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc những vụ việc KN đã có kết luận, kết hợp với việc nắm tình hình các vụ việc mới phát sinh.

Bảo Anh