Áp lực tăng vốn thêm 4.500 tỷ đồng của VNCB

Bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh nhận sai trong việc chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ "khống" của 12 công ty rồi vay 4.500 tỷ đồng của BIDV, gây thiệt hại cho VNCB 2.551 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, bị cáo Danh cho biết hoàn cảnh bị thúc ép tăng vốn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 

Theo bị cáo Danh, trong cuộc họp với NHNN, bị cáo đã trình bày xin giãn tiến độ thoái vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng bằng nhiều đợt, có thể chỉ tăng vốn thêm 500 - 1.000 tỷ đồng để đảm bảo thanh khoản. Nhưng lãnh đạo NHNN yêu cầu phải tăng vốn và tăng đủ.

Bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc VNCB cũng xác nhận việc bị cáo Danh xin chia nhỏ việc tăng vốn làm 2 - 3 lần nhưng lãnh đạo NHNN không đồng ý, yêu cầu phải tăng 1 lần thêm 4.500 tỷ đồng.

Bị cáo Danh nói tại thời điểm đó, VNCB không có nguyện vọng tăng vốn do có quá nhiều áp lực phải duy trì một ngân hàng yếu kém nhất trong 9 ngân hàng.

Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa có làm rõ việc tăng vốn là trong phương án tái cơ cấu VNCB mà HĐQT gửi lên NHNN. Vậy thì việc NHNN chỉ đạo tăng vốn theo đúng phương án đã trình lên là không sai. 

Bị cáo Mai nói đúng là tăng vốn trong phương án VNCB trình lên NHNN nhưng khi trình phương án, lãnh đạo VNCB không lường trước được các yếu tố khác phát sinh như chi lãi ngoài, nợ cũ của VNCB. 

Bị cáo Danh nói về lý thì nhận sai, nhưng về bối cảnh thì bị cáo không muốn thực hiện việc này, chỉ thực hiện vì bị thúc ép.

Liên quan tới số tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Long An có cấp Giấy Chứng nhận thay đổi kinh doanh số 27 cho VNCB với nội dung thay đổi vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng. Quyết định thay đổi vốn được cấp chưa có quyết định thông qua của NHNN.

Tại tòa, đại diện Sở cho biết chỉ nhận hồ sơ từ VNCB, soi chiếu theo điều 4 Nghị định 43, thấy phù hợp thì cấp đăng ký. Đại diện Sở thừa nhận sai sót trong việc cấp đăng ký vì không nắm được quy định chuyên ngành của ngành Ngân hàng. Sau đó, khi có văn bản của NHNN chi nhánh Long An, Sở đã thu hồi giấy đăng ký kinh doanh này và phục hồi lại Giấy phép số 26 với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.

BIDV nêu quan điểm về khoản cho vay 4.700 tỷ đồng

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế BIDV, đại diện theo ủy quyền của BIDV nói về cơ bản, tất cả quy trình cho vay trong vụ án đã thực hiện đúng quy chế 1627 - quy chế cho vay của BIDV, quy trình cấp tín dụng khách hàng doanh nghiệp, các quy định liên quan đến vấn đề nhận tài sản bảo đảm của Luật Dân sự, Nghị định 163 liên quan đến Thông tư 28...

Tuy nhiên, kết luận giám định nói đây là giao dịch hợp đồng bảo lãnh thì BIDV lại cho rằng đây là hợp đồng cầm cố. Bản thân tên hợp đồng cũng là Hợp đồng cầm cố tiền gửi theo mẫu chung của BIDV chứ không phải là hợp đồng bảo lãnh. 

Nội dung các hợp đồng xác định bên cầm cố, bên nhận cầm cố, bên được bảo đảm biện pháp cầm cố (12 doanh nghiệp do VNCB giới thiệu), xác định nghĩa vụ được bảo đảm theo các hợp đồng tín dụng và giá trị tài sản cầm cố, biện pháp phong tỏa…

Giám định của NHNN cũng nêu BIDV có hành vi vi phạm cho vay nhưng không gây thiệt hại. BIDV đã có văn bản nêu đây là thiếu sót chung trong quy trình cho vay vốn nhưng là sai phạm không trọng yếu, liên quan quy định nội bộ của BIDV.

Đồng thời, với quan điểm tiền chuyển về BIDV là tiền cố ý làm trái mà có, bà Phương khẳng định tiền là vật cùng loại, theo quy định của bộ luật dân sự, việc chuyển giao quyền sở hữu với các tài sản cùng loại được bảo đảm khi chuyển giao.

Khi BIDV thu tiền vay của khách hàng, BIDV không có trách nhiệm và nghĩa vụ phải chứng minh tiền đó từ đâu, mặc định tiền ở tài khoản thanh toán phải được suy đoán là tài sản hợp pháp của các cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản đó. Trong trường hợp đi theo nhận định đó thì sẽ làm ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm, các tổ chức tín dụng và ngân hàng sẽ không thể tin tưởng khách hàng và cũng quá phức tạp phải tìm hiểu tiền ở đâu ra.

Tuấn Nhật