Chính phủ vừa đề xuất 2 phương án: Đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và xử phạt vi phạm hành chính đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, kê khai không trung thực vào Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.  PV Báo Thanh tra có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), Thường trực Tổ Biên tập.

Xử trực tiếp tài sản, thu nhập rất phức tạp

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, trên thế giới có nhiều phương thức để xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý từ xử lý hình sự, khởi kiện dân sự đến phạt hành chính hoặc áp dụng công cụ thuế.

“Soi vào hệ thống pháp luật Việt Nam tôi thấy, nếu áp dụng các biện pháp xử lý trực tiếp đối với tài sản, thu nhập thì rất phức tạp, ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Trường hợp áp dụng cũng phải sửa rất nhiều các đạo luật có liên quan mới được Quốc hội thông qua như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự. Cho nên, Dự luật PCTN sửa đổi lần này quy định các biện pháp xử lý trực tiếp đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý thì chưa thích hợp”.

Vậy lời giải thế nào cho bài toán này để đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, buộc quan chức phải trung thực, minh bạch tài sản, thu nhập? Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho hay, Điều 59 Dự thảo Luật PCTN, Chính phủ đề xuất 2 phương án, một là thu thuế TNCN theo Luật Thuế TNCN, hai là xử phạt vi phạm hành chính.

Trong 2 phương án này, Chính phủ lựa chọn phương án truy thu thuế TNCN. 

“Phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở nước ta hiện nay, nhằm thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều chưa có đủ bằng chứng xác thực về căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp đối với phần tài sản, thu nhập đó theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Giải thích rõ hơn, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Luật PCTN coi đó như đã có một khoản thu nhập được tích lũy trong quá khứ nhưng chưa kê khai của người có nghĩa vụ kê khai, vợ/chồng, con chưa thành niên của họ. Do vậy, sẽ phát sinh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Bổ sung Luật Thuế TNCN bằng 1 điều trong Luật PCTN

Vấn đề đặt ra: Luật Thuế TNCN lại “thiếu vắng” quy định về việc thu thuế đối với khoản thu nhập theo quy định tại Điều 59 Luật PCTN? Ông Nguyễn Tuấn Anh trấn an, lãnh đạo Bộ Tài chính đã thể hiện sự đồng thuận với Ban Soạn thảo về việc bổ sung Luật Thuế TNCN trong Luật PCTN và trực tiếp chỉnh lý quy định này trong Dự thảo đợt tới sẽ trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, tại Điều 123 Dự thảo Luật PCTN đã bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN nhằm xác định thu nhập do vi phạm quy định của khoản 1 Điều 59 Luật PCTN là thu nhập chịu thuế với mức thuế suất là 45% trong biểu thuế toàn phần.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, phương án Chính phủ lựa chọn còn thể hiện rõ tinh thần việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.

“Điều này, để tránh cách hiểu theo hướng hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng hoặc trái với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc thu thuế đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch giữa thực tế và kê khai hoặc tăng thêm chỉ được thực hiện sau khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã tiến hành xác minh, kết luận người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có đủ bằng chứng kết luận về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm này có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.

Dự thảo Luật PCTN cũng quy định về quyền của người kê khai trong việc khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án cấp có thẩm quyền đối với kết luận xác minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nêu quan điểm, phương án thu thuế là phù hợp với quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự vì người kê khai đã không giải trình được tài sản, thu nhập này là hợp pháp, là của cải để dành được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 32 Hiến pháp năm 2013 và cũng không thuộc các trường hợp được xác lập quyền sở hữu theo Điều 221 Bộ luật Dân sự.

Điều 59 Dự luật PCTN: 2 phương án

Phương án 1:

1. Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có dấu hiệu cho thấy phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm này có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cục thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế TNCN theo quy định của pháp luật về thuế.

Phương án 2:

1. Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có dấu hiệu cho thấy phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm này có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.


Con số thuế suất 45% dựa trên tính toán nào?

Mức thuế suất này tương đương với mức thuế suất trung bình là 15% (trong biểu thuế lũy tiến từng phần, dao động từ 5% đến 35% quy định tại Điều 22 Luật Thuế TNCN) và tiền phạt 1 đến 3 lần (được lấy trung bình là 2 lần) số tiền thuế trốn theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế.

Mức thuế suất này sẽ được bổ sung vào quy định về Biểu thuế suất toàn phần trong Luật Thuế TNCN và phù hợp trong bối cảnh cả người kê khai và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều chưa có đủ bằng chứng xác thực về căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp đối với phần tài sản, thu nhập đó theo quy định của pháp luật.


Điều 123 Dự thảo luật PCTN. Bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 và Luật số 71/2014/QH13 (theo Phương án 1 của Điều 59)

1. Bổ sung khoản 11 vào Điều 3 như sau:

“11. Thu nhập do vi phạm quy định của khoản 1 Điều 59 Luật PCTN.”

2. Bổ sung Điều 18a vào sau Điều 18 như sau:

“Điều 18a. Thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật PCTN

1. Thu nhập chịu thuế quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật này là phần thu nhập, giá trị tài sản chênh lệch giữa thu nhập, tài sản thực tế và thu nhập, tài sản đã kê khai hoặc thu nhập, giá trị tài sản tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý theo quy định của Luật PCTN.

2. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế là thời điểm người có nghĩa vụ kê khai nhận được kết luận xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan, đơn vị xác minh tài sản, thu nhập theo quy định của Luật PCTN.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.


Hương Giang