Là một trong những lực lượng được thành lập sớm nhất, ra đời sau ngày Quốc khánh hơn 2 tháng, Thanh tra Việt Nam được Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta giao phó trọng trách rất vẻ vang và nặng nề…

Năm 2019 đang tiến dần đến những tờ lịch cuối cùng. Để nói về những thành tựu sau một năm toàn Đảng, toàn dân nỗ lực vượt khó, thi đua, sáng tạo để đạt được thì phải cần đến một bản báo cáo dày cả trăm trang. Nhưng để chọn một lĩnh vực có dấu ấn sâu sắc trong đời sống xã hội, góp phần củng cố niềm tin của lòng dân đối với Đảng, chắc chắn sẽ có rất, rất nhiều người lựa chọn lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đặc biệt, đối với dư luận truyền thông, PCTN là nội dung nằm trong nhóm đề tài được phản ánh nhiều nhất, thu hút sự quan tâm sâu sắc và rộng rãi của công chúng. Vào công cụ tìm kiếm Google, gõ từ khóa này, chỉ trong vòng 0,73 giây, có đến hơn 10 triệu 500 nghìn kết quả. Con số này phần nào cho thấy sự quan tâm của dân chúng đối với PCTN lớn đến mức nào. 

Báo cáo của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội, đã nêu rõ: “Công tác PCTN đã có thêm những bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, rõ rệt. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Kết quả đó đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội”. 

Rõ ràng, PCTN đã và đang là mối quan tâm đặc biệt, là cuộc chiến mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân. Sự thành bại của cuộc đấu tranh này có ý nghĩa quyết định đến sự hưng thịnh của đất nước, của chế độ. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh PCTN, ngành Thanh tra Việt Nam đã và đang gánh trên vai trọng trách vẻ vang và hết sức nặng nề.

Nói như vậy, không phải PCTN là lĩnh vực mới mẻ, càng không phải nó là đặc trưng của bức tranh kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của đất nước trong năm 2019. Thực chất, những kết quả, cao hơn là thành tựu đạt được trong năm 2019, chính là một bước tiến, bước đột phá của cả một quá trình tạo đà và tăng tốc trước đó. Khi hàng loạt vụ án tham nhũng quy mô lớn bị phanh phui, lòng dân thêm tin tưởng sâu sắc vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh PCTN. Điều quan trọng là từ chủ trương, quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự nghiêm minh của pháp luật trước vấn nạn tham nhũng, đấu tranh PCTN đang tiến dần tới cuộc đấu tranh của toàn dân. Rất nhiều vụ án tham nhũng bị đưa ra xét xử đều bắt nguồn từ những manh mối, bằng chứng, nguồn tin cung cấp, tố cáo từ nhân dân và báo giới.

Cũng cần phải nhận thức thấu đáo rằng, tham nhũng không chỉ là thuộc tính của đời sống xã hội hiện đại, mà nó đã có từ lâu đời, tồn tại trong mọi chế độ, mọi hình thái kinh tế - xã hội từ xưa đến nay. Khi đời sống xã hội còn bị chi phối bởi lợi ích vật chất thì tư tưởng tham nhũng, hành vi tham nhũng sẽ phát sinh. Để đấu tranh chống lại nó, đòi hỏi phải có bộ máy thực thi pháp luật, quy tụ những con người có tâm, có tầm và có tài, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. 

Sử sách nước nhà đã lưu lại rất nhiều tấm gương những vị quan thanh liêm, đấu tranh không khoan nhượng với những hành vi tham ô, nhũng nhiễu, vơ vét của dân. Trong bộ “Đại Nam liệt truyện chính biên” (sơ tập, quyển 16) có viết về tấm gương vị quan thanh liêm Nguyễn Văn Hiếu, sinh năm 1746 ở tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang), hậu duệ của tướng quân Nguyễn Xí của Nghĩa quân Lam Sơn. Cụ Hiếu làm quan đến 4 triều đại vua nhà Nguyễn, là: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Sử sách ghi rằng, Nguyễn Văn Hiếu nổi tiếng công minh, liêm chính, không chỉ được muôn dân sùng bái, tin tưởng, mà ngay cả kẻ thù của ông cũng phải nể trọng. Làm quan lớn của triều đình nhưng gia tài của ông hầu như không có gì, gia đình, vợ con vẫn sống cuộc đời đạm bạc như dân thường. Tấm gương của quan thanh liêm Nguyễn Văn Hiếu làm quan đến 4 đời triều Nguyễn còn chứng tỏ một chân lý: Người liêm chính thì triều đại nào cũng cần, xã hội nào cũng cần…

Nhắc chuyện xưa để ngẫm chuyện nay. Cuộc chiến chống tham nhũng đã được khởi xướng, tiến hành từ lâu, nhưng có thể nói, phải đến những năm gần đây, nhất là trong hai năm 2018-2019 chúng ta mới tạo được những bước đột phá quan trọng. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực thanh tra, trong năm 2019, toàn ngành đã triển khai 7.585 cuộc thanh tra hành chính và 252.499 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 81.835 tỷ đồng (trong đó thanh tra hành chính 40.829 tỷ đồng; thanh tra chuyên ngành 41.006 tỷ đồng) và trên 819ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 71.601 tỷ đồng, 18.904ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính nhiều tập thể và cá nhân; ban hành 107.579 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 10.232 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý 102 vụ, 181 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực…

Những con số biết nói nêu trên đã phản ánh sinh động tính minh bạch, khách quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý sai phạm và tội phạm tham nhũng. Nhưng thành tựu lớn nhất chúng ta đạt được chính là thông qua cách làm quyết liệt, kiên trì, kiên quyết về đấu tranh PCTN, vai trò lãnh đạo của Đảng và bộ máy thực thi pháp luật của đất nước đã củng cố mạnh mẽ niềm tin trong nhân dân. Đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có cơ hội chấn chỉnh phương pháp, tác phong công tác, tự tu dưỡng, tự gột rửa khuyết điểm để xứng đáng hơn với niềm tin của dân. Thực tiễn ghi nhận từ các cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, nhất là các đồng chí giữ trọng trách trong Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cho thấy, cử tri ngày càng bày tỏ lòng tin đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với cuộc chiến cam go đấu tranh PCTN trên tinh thần: “Lò đã nóng thì củi tươi cũng phải cháy”. Thực tiễn sinh động ấy cũng đã góp phần khắc họa rõ nét vai trò, sứ mệnh của công tác thanh tra và truyền thống vẻ vang của Thanh tra Việt Nam. 

Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh PCTN năm 2020, Chính phủ ta xác định: “Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; quản lý sử dụng đất đai; đầu tư theo hình thức BT, BOT; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; quản lý vốn, tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách Nhà nước,… Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hồi đất đai, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm…”.

Như vậy là việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán sắp tới đã xác định rõ những mục tiêu, địa chỉ, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để làm mạnh, làm đúng, giải quyết dứt điểm theo phương châm “Không có vùng cấm”. Nhiệm vụ của ngành Thanh tra, của đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra ngày càng nặng nề, phải đối mặt với vô vàn phức tạp, khó khăn, thách thức. Xây dựng, củng cố, tự tu dưỡng nhân tâm liêm chính, chuẩn mực; thực thi công vụ minh bạch, khách quan, thượng tôn pháp luật… chính là những bài học thành công trong đấu tranh vạch trần cái xấu, cái ác trong xã hội từ ngàn xưa đến nay. 

Năm nay, ngành Thanh tra Việt Nam tròn 74 tuổi. Những thành tựu của Thanh tra Việt Nam và chuỗi hoạt động kỷ niệm truyền thống của ngành dịp này là tiền đề để chúng ta hướng tới ngày lễ quan trọng, kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2020). Lòng dân đang thuận! Muôn người cùng bày tỏ niềm tin son sắt, Đảng, Nhà nước ta, trực tiếp là đội ngũ công bộc chuyên trách công tác thanh tra sẽ tiếp tục đảm trách sứ mệnh một cách vững vàng, kiên trì, kiên quyết để góp phần gột sạch những ung nhọt trên cơ thể Đảng. “Chặt cành để cứu cây”. Chắc chắn sẽ còn nhiều cành sâu, lá úa phải bị đốn. Những con “sâu bự” trèo cao, chui sâu trong bộ máy công quyền đã “nhúng chàm” sẽ bị lôi ra ánh sáng từ hiệu quả của công tác thanh tra. Ngành Thanh tra Việt Nam mãi khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, nguyện làm tròn sứ mệnh của Đảng giao phó và niềm tin, sự gửi gắm của nhân dân.

Tin tưởng và kỳ vọng!

Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN