Báo Thanh tra số ra các ngày 23/4; 27/4 và 09/5/2018, đăng tải loạt bài phản ánh thái độ chậm trễ bất thường của tổ công tác thuộc Hạt Kiểm lâm huyện CưM’gar trong xử lý tin báo tội phạm liên quan đến vụ vận chuyển gỗ rừng trái phép tại lâm phần thuộc Lâm trường Buôn Ja Wầm phát hiện báo cáo.


Sau khi Báo đăng tải, các cơ quan, đơn vị liên quan đã có công văn phản hồi. 

Tiếp thu ý kiến phản ánh, UBND huyện Cư M’gar, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã thừa nhận có sự việc trên đồng thời đề nghị cơ quan Công an sớm vào cuộc xử lý.

Ngày 03/5/2018, UBND huyện CưM’gar có Báo cáo số 117/BC-UBND về việc phản hồi thông tin bài viết: “Huyện CưM’gar  (Đắk Lắk): Kiểm lâm ‘câu giờ’ cho lâm tặc tẩu tán tang vật”. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng có Báo cáo số 106/BC-SNN ngày 09/5/2018 về kết quả kiểm tra thông tin mà Báo Thanh tra phản ánh.

                                        Nôi dung báo cáo của Sở Nông nghiệpvà  Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nhóm PV

Chậm trễ là… “do đường xa, thiếu phương tiện”

 Đó là một trong chuỗi lời khẳng định không hề thuyết phục của ông Bùi Văn Khang, Hạt trưởng Kiểm lâm Cư M’gar khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Thanh tra ngày 7/5/2018.

Cùng với quan điểm này, Báo cáo số 106/BC-SNN của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk do Phó Giám đốc Vũ Văn Đông ký, gửi các cơ quan chức năng liên quan có đoạn viết: “Thời gian chờ bố trí xe máy kéo dài quá lâu (từ 9 giờ đến gần 11 giờ trưa), trong thời gian chờ bố trí xe, xem xét thấy công việc có thể kéo dài, do đó tổ công tác của Hạt Kiểm lâm tranh thủ đi ăn cơm trưa sau đó tổ chức đi vào khu vực xảy ra vi phạm”.

Bản Báo cáo số 117/BC-UBND của UBND huyện CưM’gar do Phó Chủ tịch phụ trách nông lâm Nguyễn Văn Minh cũng viết: “Nhận thấy tình hình công việc có thể kéo dài nên tổ công tác tranh thủ đi ăn cơm trưa sau đó tổ chức đi vào khu vực xảy ra vi phạm”. 

Báo cáo này khẳng định: Việc Báo Thanh tra điện tử phản ánh tình trạng lâm tặc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép xảy ra trên địa bàn huyện như trong bài báo phản ánh là có thật. Tuy nhiên, “việc kiểm lâm ‘câu giờ’ để cho lâm tặc tẩu tán tang vật là không có cơ sở.

Báo cáo cho rằng: “Việc kiểm lâm ‘câu giờ’ để cho lâm tặc tẩu tán tang vật là không có cơ sở”. Thế nhưng, cũng chính Phó Chủ tịch huyện Cư M’gar - ông Nguyễn Văn Minh, tại cuộc làm việc với PV ngày 07/5, lại bày tỏ sự nghi ngờ về thái độ và trách nhiệm không bình thường của tổ công tác thuộc lực lượng kiểm lâm khi nhận tin báo và tham gia xử lý vụ việc (đã được Báo Thanh tra đăng tải tại bài viết “Nghi vấn tang vật bị đóng thế”), cụ thể: Năm anh kiểm lâm đó vào làm việc gì mà không bắt được vụ vận chuyển gỗ lậu? Nhìn thấy xe, thấy gỗ sao không lập biên bản, vì còn tang vật, nếu không thì cũng còn nhân chứng?

Ông Minh còn cung cấp thêm, chính ông là người trực tiếp gọi cho ông Hạt phó Kiểm lâm Hà Đình Nghĩa (người được ủy quyền phụ trách cơ quan), yêu cầu triển khai ngay lực lượng nhanh chóng hỗ trợ cho bảo vệ rừng từ lúc 7h28 phút.

Cả UBND huyện CưM’gar và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đều thể hiện trong các bản báo cáo rằng: Tổ công tác kiểm lâm tranh thủ đi ăn cơm trưa trong quá trình truy bắt lâm tặc. 

Tuy nhiên, theo điều tra của PV thì thời gian “tranh thủ” đó kéo dài hàng giờ. Khoảng thời gian đó là đủ dài để các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép “tranh thủ” tẩu tán tang vật, ung dung đi ra khỏi rừng!

 “Kiểm tra làm rõ” hay “coppy” báo cáo?

Trong các bản báo cáo nói trên, UBND huyện CưM’gar và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đều lí giải nguyên nhân sự chậm trễ của lực lượng kiểm lâm trong việc tiếp cận hiện trường, xử lí vi phạm là do hoàn cảnh khách quan (đường xa, thiếu phương tiện giao thông…). 

Thế nhưng, có một tình tiết không hề được nhắc đến, đó là khi tiếp cận được hiện trường, thay vì lập biên bản và truy bắt các đối tượng vi phạm thì các cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện CưM’gar lại rút ra ngoài và… “tổ chức mai phục”.

Kết quả của việc “mai phục” đó là gỗ tang vật bị tẩu tán, còn chiếc xe chở gỗ trái phép thì… không cánh mà bay!


Điều khiến dư luận người dân bức xúc không thể chấp nhận được một sự thật khi: Kiểm lâm với tư cách là lực lượng chuyên trách, được trang bị phương tiện, được sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ, được giao quyền điều tra khởi tố các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng… lại tỏ ra thụ động, phải dựa dẫm vào sự hỗ trợ của chủ rừng, bất lực trước những sai phạm của các đối tượng phá rừng mà chính mắt các kiểm lâm viên huyện Cư M’gar đã trực tiếp chứng kiến?

Liên quan đến các lý giải về nguyên nhân của sự chậm trễ không bình thường tại các bản báo cáo sự việc cho thấy: Cơ bản các luận cứ diễn giải, phản hồi của UBND huyện CưM’gar, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đều có chung một điểm đó là sự giống nhau cả về văn phong lẫn ngôn từ. Thậm chí, nhiều đoạn trong 2 văn bản nói trên đã được “coppy” gần như nguyên văn Báo cáo số 44/BC-HKL ngày 02/5/2018 của Hạt Kiểm lâm huyện CưM’gar.

Dư luận nghi ngờ đặt câu hỏi: Liệu các cơ quan làm phản hồi đã thực sự quan tâm, nghiêm túc tổ chức họp kịp thời “kiểm tra, xác minh” vụ việc hay chỉ dựa vào… nội dung báo cáo một chiều của Hạt Kiểm lâm huyện CưM’gar “để làm căn cứ, nhằm gỡ gạc cho sự sai phạm của cấp dưới”?

Cũng quan điểm giải trình này, Báo cáo số 106/BC-SNN, ngoài việc phản hồi thông tin trên Báo Thanh tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk còn báo cáo kết quả xác minh vụ làm mất gần 8m3 gỗ tang vật xảy ra tại huyện Ea Kar. 

Nguyên nhân vụ mất gỗ tang vật này cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk lí giải là do: “Địa hình hiểm trở, đường đi có độ dốc cao, do vậy chưa thuê được phương tiện để vận chuyển, thu gom gỗ về”.

Xem ra đó là cách giải thích hợp lý nhất trong mọi tình huống, có thể biện minh cho tất thảy vụ phá rừng, làm mất gỗ tang vật hoặc bỏ lọt tội phạm hủy hoại tài nguyên rừng. Bởi lẽ rừng nào không hiểm trở, đường đi khó, độ dốc cao!

Căn cứ các tài liệu do PV Báo Thanh tra thu thập được, xâu chuỗi tiến trình sự vụ, dư luận không thể không hoài nghi, đặt câu hỏi trước những giải thích từ người đại diện Sở Nông nghiệp, UBND huyện, Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar là: Chưa trung thực, thiếu tinh thần cầu thị, có dấu hiệu bao che cho sai phạm của cấp dưới?

 

Sáng ngày 19/5/2018, thông tin từ ông Bùi Văn Khang, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện CưM’gar cho biết, đơn vị này vừa bắt giữ vụ vận chuyển trái phép hơn 3m3 gỗ trên địa bàn thuộc lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Buôn Wing. Đối tượng tổ chức vận chuyển là Trần Văn Hải (biệt danh Hải “chó”) và phương tiện bị thu giữ lần này cũng chính là chiếc máy cày độ chế mà trước đó đã “biến mất” cùng tang vật trong vụ vận chuyển ngày 22/4 mà Báo Thanh tra đã phản ánh.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong các bài viết tiếp theo.


 

Nhóm PV