+ Để khuyến khích chống tham nhũng, tiêu cực thì bên cạnh có chế tài xử nghiêm những người tố cáo sai thì phải có cơ chế khen thưởng xứng đáng, phù hợp cho người tố cáo đúng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đúng vậy! Luật Tố cáo hiện hành và ngay trong dự thảo sửa đổi đều có quy định việc việc khen thưởng người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Nhưng thời gian qua, thực tiễn không áp dụng được. Ngay như ở địa phương của tôi, mỗi năm trích mất tỷ mà để đó, người tố cáo đúng được chúng tôi mời đến nhận khen thưởng mà không ai đến nhận.

+ Tại sao lại có chuyện tiền khen thưởng tố cáo đúng bị “treo”, không ai đến nhận, thưa ông?

- Về nguyên tắc, người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin. Nhưng để được nhận tiền khen thưởng phải qua kế toán, qua kho bạc, như vậy sẽ lộ bít tích, thông tin người tố cáo. Cho nên, nhiều người tố cáo đúng, được khen thưởng nhưng không dám đến nhận khen thưởng vì sợ thông tin cá nhân.

+ Vậy giải quyết bài toán này thế nào để vừa bảo vệ được bí mật thông tin, vừa khen thưởng được người tố cáo đúng?

- Tôi nghĩ, khi dự Luật Tố cáo (sửa đổi) được QH thông qua, thì Chính phủ cần có quy định để chi khen thưởng theo cơ chế đặc biệt đối với người tố cáo đúng. Nghĩa là, kể cả khi khen thưởng vẫn phải bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo, chỉ một số cơ quan chịu trách nhiệm có liên quan biết. Và người quyết định về việc khen thưởng cho người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

+ Xoay quanh dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), còn điều gì ông vẫn băn khăn?

- Tôi thấy, dự luận lần này được tiếp thu, chỉnh lý tốt. Tuy nhiên, vẫn còn những điều tôi băn khoăn. Đó là, trường hợp tố cáo người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu. Theo dự thảo quy định, là do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo có thẩm quyền giải quyết.

Nhưng có những trường hợp không có cơ quan trực tiếp, như tố cáo Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND các cấp xã, huyện, tỉnh thì ai giải quyết, cấp nào giải quyết?. Thực tế ở địa phương, đã có tố cáo, HĐND không họp nhưng vẫn ra nghị quyết. Tôi đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu xác định cấp nào giải quyết trong trường hợp như vậy?.

Một vấn đề nữa, không chỉ “tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực” như dự thảo nêu, mà cần bổ sung quy định về việc giải quyết tố cáo “không thực hiện nhiệm vụ công vụ để vụ lợi”. Quy định như vậy, phù hợp và thống nhất với Luật Phòng, chống tham nhũng.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hương Giang