Giải pháp nào để không còn tình trạng “con voi chu lọt lỗ kim”

Mở đầu phiên chất vấn ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị làm rõ trách nhiệm của sự thua lỗ yếu kém của các siêu dự án mà nhà nước đầu tư và do Bộ quản lý.

"Đâu là trách nhiệm của cơ quan quản trị tại doanh nghiệp khi xây dựng dự án kém hiệu quả, đặc biệt đâu là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý đầu tư tại doanh nghiệp. Bộ trưởng có kiến nghị gì với Quốc hội, Chính phủ để khắc phục những bất cập trong nguyên tắc quản lý đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước, không để lặp lại tình trạng con voi chui lọt lỗ kim như trong thời gia ", ĐB chất vấn.

Trả lời Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đối với 5 dự án thua lỗ tồn đọng còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quản lý ngành, Bộ đã có đánh giá sơ bộ.

“Tôi hiểu ở đây, ĐB và cử tri mong muốn làm rõ hơn nữa nguyên nhân, xử lý và xem xét trach nhiệm tránh trường hợp tiếp tục xảy ra trong tương lại”, Bộ trưởng phân trần.

Theo đó, 5 dự án này được xem xét đầu tư từ 2003 đến nay, trong từng dự án cụ thể do tính chất đặc thù của ngành có những diễn biến khác nhau, có nhiều nguyên nhân khác nhau, kéo dài nhiều thời kỳ khác nhau nên đi vào đánh giá chung thì khó.

Bộ trưởng thông tin, tất cả dự án này đều triển khai kéo dài so với thời hạn đã phê duyệt. Điểm chung các dự án này đều rơi vào thời điểm có những biến động của thế giới, thị trường thế giới tác động ảnh hưởng rất mạnh đến dự án. Thị trường nhiên liệu như dầu khí, dầu thô từ mức hơn 100 USD/thùng sau đó tụt còn 40 USD/thùng ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi của dự án…

Người đứng đầu ngành Công thương cũng chỉ, hạn chế tồn tại có một số nguyên nhân chung. Đó là do năng lực của chủ đầu tư mà ở đây là các tập đoàn, tổng công ty 91 - người trực tiếp thực hiện và quản lý dự án đầu tư và phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong phê duyệt thẩm định.

Tiếp đó, là năng lực hạn chế của ban quản lý dự án cũng như các đơn vị trực tiếp phân công quản lý dự án.

Năng lực của chúng ta trong tổ chức đàm phán, ký kết các hợp đồng thực hiện các dự án này. Điều này liên quan năng lực và khả năng thực hiện của các nhà thầu, trong đó có các nhà thầu nước ngoài.

“Chính những hạn chế này dẫn đến các dự án bị kéo dài, việc thực hiện không được suông sẻ thậm chí trong nhiều dự án thực hiện không đúng quy định hợp đồng và nội dung được phê duyệt”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Đang làm rõ nguyên nhân chủ quan có sự vô tình hay cố ý

Trong quá trình này, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã đưa ra những giải pháp nhưng không mang lại hiệu quả.

Quan điểm của Chính phủ là khi tổ chức đánh giá tồn tại của các dự án này phải đầy đủ khách quan và chủ quan và căn cứ quy định chung để làm rõ trách nhiệm.

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)

Các giải pháp cần nghiên cứu xem xét phù hợp khuôn khổ pháp lý, nguyên tắc thị trường nhưng phải đảm bảo bảo toàn vốn, tài sản của Nhà nước; phù hợp cam kết hội nhập quốc tế.

Còn việc xem xét làm rõ trách nhiệm, Bộ Công thương đang phối hợp các ngành nghiên cứu báo cáo giải trình Chính phủ và để xuất giải pháp xử lý để không xảy ra tình trạng tương tự.

Ông Tuấn Anh cho rằng, trong xem xét trách nhiệm cần làm cẩn trọng, đánh giá đầy đủ theo khung pháp lý, đánh giá đúng trong từng giai đoạn cụ thể để xem xét trách nhiệm của các cấp quản lý Nhà nước, của doanh nghiệp, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, của tổ chức và cá nhân.

Đồng thời làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan có sự vô tình hay cố ý. Trong đó không loại trừ có sự có tình làm sai trong quản trị của doanh nghiệp, điều này làm rõ trong thời gian tới…

“Việc xử lý trách nhiệm nếu có, đặc biệt là các vi phạm pháp luật, có sự cố tình làm sai chắc chắn sẽ xem xét kể cả trách nhiệm hình sự”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại sao sử dụng tiền thuế của dân lại "khoán trắng"?

Chưa hài lòng, ĐB Nguyễn Tiến Sinh giơ biển xin tranh luận lại. Theo ĐB, dư luận và người dân quan tâm đến trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đến đâu? Trách nhiệm trong quản trị doanh nghiệp ở đó thế nào? “Tôi rất lo ngại, khi đầu tư các dự án, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cho chủ trương đầu tư còn triển khai, quản lý do tổng công ty 90, 91 thực hiện. Tôi thấy việc này hoàn toàn không ổn. Doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước, sử dụng tiền thuế của dân lại khoán trắng như vậy? Trách nhiệm quản lý của cơ quan chủ quản đến đâu?”

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dự án kéo dài từ rất lâu rồi, tính chất công nghệ, tính chất đặc thù của từng dự án khác nhau. Quá trình đánh giá cụ thể về nguyên nhân, trách nhiệm của từng khâu, từng bộ phận thế nào, đánh giá với khung pháp lý để làm rõ trách nhiệm thì cần phải có thời gian.

Chúng ta đã có sự chỉ đạo về việc này, không chỉ Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ mà còn Kiểm toán Nhà nước và hàng loạt cơ quan khác đều tham gia vào quá trình xem xét, đánh giá cụ thể dự án.

Trước năm 2012, các dự án này đều được giao lại cho các tập đoàn, tổng công ty quản lý trực tiếp.... Các Bộ tham gia quản lý về chiến lược và quy hoạch của ngành, tham mưu, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng để phê duyệt chủ trương đầu tư

Chia sẻ lo lắng của ĐB, người đứng đầu ngành Công thương trấn an, nhưng từ sau năm 2012, Nghị định 99 được ban hành, giao trách nhiệm cho các bộ theo từng lĩnh vực quản lý Nhà nước. Chúng ta sẽ xem được rõ các trách nhiệm từ nay về sau của các bộ, ngành quản lý Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan chủ quản trong quản lý các doanh nghiệp và quản lý các dự án đầu tư qua các doanh nghiệp đó.

Đối với quản trị doanh nghiệp, đã có khung khổ pháp lý cụ thể. Do vậy, các dự án trên được xem xét trên khung khổ pháp luật để xem có sự làm sai hay không, làm sai đó do vô tình hay cố tình, sai với mục đích gì, trách nhiệm đến đâu...

Một số dự án đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, một số dự án đang được tiếp tục thanh tra, kiểm tra.

“Việc xem xét nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể thế nào, chúng tôi cần có thời gian”, Bộ trưởng nói và thông tin thêm, sẽ có sự rút kinh nghiệm và xây dựng các phương án khắc phục những tồn tại, cả về mặt pháp lý.  Chúng tôi xin phép ở những kỳ họp Quốc hội sau sẽ tiếp tục báo cáo.

5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nguy cơ phá sản

1. Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư;

2. Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung;

3.Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư;

4. Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải - Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng Công ty Giấy Việt Nam - Vinapaco theo Quyết định 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.


Thảo Nguyên