Nghị định 59 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rõ, thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi giữ chức vụ. Thời hạn “cấm” này được áp dụng theo 4 nhóm lĩnh vực khác nhau. 

Nhóm một thuộc phạm vi quản lý của 14 bộ, ngành: Công Thương; Giao thông Vận tải; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tư pháp; Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. 

Ở nhóm này thời hạn “cấm” người có chức vụ, quyền hạn làm chủ doanh nghiệp sau khi thôi giữ chức vụ là từ 12 - 24 tháng.

Nhóm thứ 2 có thời hạn “cấm” là 6 - 12 tháng, gồm các lĩnh vực quản lý của 6 bộ, ngành: Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Y tế; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Ủy ban Dân tộc.

Nhóm thứ 3 áp dụng với 3 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của 3 bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao. Thời hạn “cấm” sẽ do chính các Bộ trưởng các bộ này ban hành.

Với nhóm 4 gồm chương trình, dự án, đề án do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt thì thời hạn áp dụng là thời gian thực hiện xong chương trình, dự án, đề án.

Quan chức bị đình chỉ công tác khi nào?

Nghị định 59 cũng quy định cụ thể việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn khi có căn cứ cho rằng người đó có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc.

Theo đó, căn cứ cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng khi thuộc 1 trong 4 trường hợp: Có văn bản yêu cầu của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện KSND, TAND; qua xác minh, làm rõ nội dung theo đơn tố cáo phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng; qua công tác tự kiểm tra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng; qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Người có chức vụ, quyền hạn được coi là có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có 1 trong các hành vi sau: Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không đầy đủ, sai sự thật; cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền trong quá trình xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng; tự ý tháo gỡ niêm phong tài liệu, tiêu hủy thông tin, tài liệu, chứng cứ; tẩu tán tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác hoặc dùng hình thức khác để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho việc xác minh, làm rõ.

Thẩm quyền ra các quyết định tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác sẽ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm, tuyển dụng, quản lý thực hiện.

Thời hạn tạm đình chỉ là 90 ngày

Với cơ quan hành chính Nhà nước, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý trực tiếp.

Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã; quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và người có chức vụ, quyền hạn do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và người có chức vụ, quyền hạn do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và người có chức vụ, quyền hạn do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.

Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Trong thời gian Quốc hội không họp, Thủ tướng trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với thứ trưởng và các chức vụ tương đương, người có chức vụ, quyền hạn do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

Thời hạn tạm đình chỉ hoặc tạm chuyển vị trí công tác khác là 90 ngày, kể từ khi ra quyết định.

Người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng hoặc hết thời gian tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định 59 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2019.

Thảo Nguyên