Thu hồi trên 72% tài sản tham nhũng

Trong năm 2017, toàn ngành Thanh tra đã thực hiện 88 cuộc thanh tra tại 230 cơ quan, đơn vị; phát hiện 116 đơn vị sai phạm 19.556,2 triệu đồng và 271.085,2 m2 đất các loại. Qua thanh tra đã thu hồi nộp ngân sách 11.413,59 triệu đồng (đã thu 8.762,41 triệu đồng, đạt tỷ lệ 76%), xử lý khác 8.142,61 triệu đồng và 271.085,2m2, nhiều biện pháp khắc phục, chấn chỉnh khác.

Đồng thời, phát hiện 2 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, đã chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra, gồm: Vụ bà Trần Thị Kim Oanh, thủ quỹ Dự án Huy động vốn để xây dựng công trình điện tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn có dấu hiệu vụ lợi trong sử dụng 57,65 triệu đông. Vụ Trường Trung học cơ sở Nghĩa Kỳ có dấu hiệu sai phạm 773,66 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND huyện Trà Bồng chuyển cơ quan điều tra theo Công văn số 2258/UBND ngày 23/12/2016 đối với ông Võ Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng trục lợi trong thực hiện nhiệm vụ (phát hiện năm 2014 theo Kết luận số 197/KL-UBND của UBND huyện Trà Bồng).

Qua kiểm tra nội bộ của UBND xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ phát hiện vụ bà Đinh Thị Chương có dấu hiệu tham ô tài sản Nhà nước 12,4 triệu đồng (đã chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra).

Qua xử lý tin báo, tố giác tội phạm, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh phát hiện bà Trần Thị Lệ Chi, nhân viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp dạy nghề tỉnh có dấu hiệu tham ô tài sản.

Công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phát hiện và xem xét, xử lý đảng viên vi phạm; đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật đối với 1 tổ chức Đảng (Chi ủy Ban Dân tộc) và 2 đảng viên (đồng chí Hồ Văn Thế, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc; đồng chí Nguyễn Thị Thúy Nga, nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành), kỷ luật 3 đảng viên (đồng chí Trần Quang Toản, nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương (khiển trách); đồng chí Phan Anh Tính, nguyên Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành (cảnh cáo) và đồng chí Lưu Minh Đức, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Nghĩa Hành, Phó Trưởng phòng PC52 Công an tỉnh (khiển trách)) có khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ.

Trong kỳ, các cơ quan điều tra, Viện KSND, TAND xử lý 13 vụ việc.

Tổng số tiền đã thu hồi của các vụ án tham nhũng trong kỳ là 4.590,9 triệu đồng/6.331,7 triệu đồng (đạt tỷ lệ 72,5%), tăng so với cùng kỳ năm 2016 (thu 3.891 triệu đồng).

Trong năm 2017, ngành Thanh tra tỉnh đã tiến hành 28 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại 58 đơn vị; đã ban hành kết luận 23 cuộc tại 31 đơn vị. Kết quả thanh tra cho thấy còn một số hạn chế như: Việc công khai minh bạch chưa đảm bảo đúng theo quy định. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác chưa đúng nguyên tắc, đối tượng theo quy định, không lập kế hoạch chuyển đổi. Kê khai, công khai minh bạch tài sản thu nhập vẫn mang tính hình thức còn nhiều bản kê khai chưa đầy đủ tiêu chí, chưa chặt chẽ trong quá trình tiếp nhận bản kê khai... Công tác tự kiểm tra trong nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Báo cáo công tác PCTN chưa đầy đủ nội dung theo quy định.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, ưu điểm trong công tác PCTN của tỉnh là UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành và địa phương kịp thời triển khai, quán triệt; xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai các quy định của pháp luật về PCTN, lãng phí đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí nhất là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và áp dụng các biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng; công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm, từng bước khắc phục dần tình trạng chậm trễ, xử lý không nghiêm minh.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Việc quản lý, sử dụng ngân sách từng bước đi vào nền nếp, đã tiết kiệm được những khoản chi không cần thiết để bổ sung kinh phí cho hoạt động chuyên môn và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện các quy định về công khai tài chính đối với các cấp ngân sách, từ khâu phân bổ dự toán đến khâu quyết toán hằng năm, kế hoạch xây dựng cơ bản, công khai quy trình thu và sử dụng các loại quỹ, các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân tại địa phương... đã tạo điều kiện cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tốt hơn.

Chưa phát huy đúng mức vai trò người đứng đầu

Các sở, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, triển khai ban hành văn bản đầy đủ theo chỉ đạo của cấp trên nhưng việc tổ chức thực hiện chưa đầy đủ các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, thiếu đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới.

Công tác cải cách thủ thục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết công việc với người dân, doanh nghiệp có nhiều mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Vai trò trách nhiệm của người đứng đầu phát huy chưa đúng mức. Việc xây dựng, tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra trong nội bộ chưa thường xuyên, kết quả tự kiểm tra còn nhiều hạn chế.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường nhưng số vụ việc tham nhũng, lãng phí được phát hiện còn ít. Ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tích cực tham gia PCTN, lãng phí còn hạn chế. Sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong công tác PCTN, lãng phí có lúc, có nơi, có việc chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên.

Công tác báo cáo định kỳ ở một số sở, ban, ngành và địa phương còn chậm, không đầy đủ. Chất lượng báo cáo thấp, khó khăn cho công tác tổng hợp báo cáo và đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình.

Hàn Ngọc