Tại văn bản ban hành ngày 30/11/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng yêu cầu xác định PCTN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, trước hết là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố căn cứ kế hoạch này và đặc điểm tình hình cơ quan, địa phương xây dựng kế hoạch PCTN năm 2017 và tổ chức thực hiện có hiệu quả, đat yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác PCTN, lãng phí; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng ngay trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN, lãng phí, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc tác hại, nguy cơ của tham nhũng với sự nghiệp phát triển của đất nước, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội cùng tham gia tích cực PCTN.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tỉnh kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tỉnh, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật PCTN bằng nhiều biện pháp và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung nêu trong Chương trình Hành động số 08 ngày 14/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị số 14 ngày 8/7/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp đồng bộ, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; tập trung vào các lĩnh vực, vấn đề được xã hội quan tâm, bức xúc, trong đó:

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch và thực hiện việc kiểm tra nội bộ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị về chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính trong các cơ quan hành chính Nhà nước; kiểm tra hoạt động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan đơn vị; kiểm tra việc thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý đúng quy định của pháp luật theo phương châm: Thượng tôn pháp luật; nói đi đôi với làm và làm thực chất từ những việc nhỏ; khắc phục tình trạng nể nang, xử lý không nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Chánh Thanh tra tỉnh chỉ đạo toàn ngành Thanh tra nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, thanh tra đột xuất khi phát hiện vi phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng để xử lý, kiến nghị các cơ quan có chức năng xử lý theo quy định của pháp luật theo Chỉ thị số 15 ngày 4/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về nâng cao trách nhiệm hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với cơ quan điều tra và viện kiểm sát theo các quy chế phối hợp đã ký kết và theo Thông tư liên tịch số 02 ngày 22/3/2012 của Viện KSND Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo Quy chế Phối hợp đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành để đề nghị Ủy ban Kiểm tra các cấp xử lý theo quy định của Đảng tại Quyết định 181 ngày 30/3/2013 và Quy định 263 ngày 8/10/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Thủ trưởng các sở được UBND tỉnh giao nhiệm vụ giám sát doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND tỉnh theo quy định tại Nghị định số 49 ngày 20/5/2014 (Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có trách nhiệm thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu; phối hợp với Sở Tài chính thực hiện Quy chế Giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động, công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp theo Nghị định số 61 ngày 25/6/2013 của Chính phủ; thực hiện có hiệu quả Quy chế về trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp... theo Quyết định số 300 ngày 15/9/2015 của UBND tỉnh.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thành phố thực hiện giải quyết kịp thời tố cáo tham nhũng; nâng cao chất lượng việc thiết lập các kênh thông tin để tiếp nhận, khuyến khích phát hiện tham nhũng; kịp thời xử lý thông tin phản ánh, tố giác hành vi tham nhũng và chủ động phối hợp giải quyết kịp thời đơn tố cáo hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật. Triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ người tố cáo, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng vu khống, cản trở, gây khó khăn trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; kịp thời khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng người có thành tích phát hiện tham nhũng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 0l ngày 16/3/2015 của Thanh tra Chính phủ - Bộ Nội vụ.

Hàn Ngọc