Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh, những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tăng cường công tác đấu tranh PCTN, lãng phí và đạt được những kết quả nhất định góp phần phát triển xã hội, giữ vững an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều cấp, ngành với phạm vi rộng, tính chất phức tạp. Hướng đến thúc đẩy sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong PCTN để “ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng” thì nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCTN, đặc biệt là công tác đo lường tham nhũng, đánh giá công tác PCTN là nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Phó Tổng TTCP cho biết, được sự cho phép của Chính phủ và sẵn sàng hợp tác với ACRC, năm 2016, TTCP đã tiến hành thí điểm áp dụng phương pháp đánh giá công tác PCTN của ACRC đối với cấp tỉnh ở Việt Nam. Qua 1 năm triển khai, Dự án “Đánh giá công tác PCTN năm 2016” đã đạt những kết quả khả quan, thiết thực cho công cuộc PCTN tại Việt Nam.

Báo cáo kết thúc Dự án Đánh giá công tác PCTN năm 2016, ông Phí Ngọc Tuyển, Cục phó Cục Chống tham nhũng, TTCP khẳng định, kết quả đánh giá cơ bản đã phản ánh được tình hình công tác PCTN  tại các địa phương. Dự án là tiền đề nhằm xây dựng các bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp huyện, các bộ chỉ số tại các bộ, ngành, cơ quan sự nghiệp công, doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời là bước đầu tiên để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về PCTN.

Thông tin cụ thể về kết quả của Dự án, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho biết, qua đánh giá chung về công tác PCTN cấp tỉnh cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các giải pháp PCTN được các địa phương triển khai rộng khắp. Tuy nhiên, mức độ triển khai giữa các địa phương không đồng đều. Bên cạnh đó, giữa các nội dung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo có những chênh lệch khá rõ rệt.

 

Qua phân tích số liệu cho thấy, công tác PCTN ở cấp tỉnh hiện nay chỉ đạt được 58,11% yêu cầu. Điều này cho thấy còn có khoảng cách rất xa để đáp ứng được mục tiêu PCTN mà Đảng, Chính phủ cũng như người dân đã đề ra. Kết quả trên chỉ ra một điều rất quan trọng là công tác PCTN ở cấp tỉnh cần phải rốt ráo, tích cực hơn nữa mới mong đạt được thành công.

Đối với các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, qua đánh giá thì thực tế điểm trung bình cả nước chỉ đáp ứng 65,73% yêu cầu. Mức độ đồng đều trong triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng giữa các tỉnh có sự khác biệt nhau nhiều. Nội dung phòng ngừa tham nhũng đạt điểm cao nhất là việc thực hiện cải cách hành chính đạt 84,67% so với yêu cầu, tiếp đến là việc thực hiện công khai minh bạch ở cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nộp lại quà tặng và tặng quà sai quy định có điểm số thấp nhất.

Riêng công tác phát hiện tham nhũng, qua kết quả tổng hợp cho thấy, điểm trung bình của cả nước ở nội dung này chỉ đạt 44,08% so với yêu cầu. Công tác phát hiện tham nhũng giữa các địa phương có sự khác biệt rất lớn, phản ánh quá trình nhận thức, chỉ đạo, thực hiện ở các địa phương là không đồng đều.

Nhiều địa phương trong năm không phát hiện ra tham nhũng như Nam Định, Lạng Sơn, Hà Giang, An Giang. Bên cạnh đó, công tác phát hiện tham nhũng giữa các tỉnh có khoảng cách lớn, trong khi điểm lớn nhất là 20,8 và điểm thấp nhất là 3.

Bên cạnh đó, qua đánh giá việc xử lý hành vi tham nhũng trên các mặt xử lý người đứng đầu, xử lý hành vi tham nhũng và việc xử lý về kinh tế, trung bình cả nước chỉ đạt 30,7%. Việc thu hồi và khắc phục về kinh tế do tham nhũng gây ra còn thấp, chưa đạt được với yêu cầu của việc xử lý hành vi tham nhũng.

Trên cơ sở kết quả đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2016, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, kiến nghị Chính phủ giao TTCP tiếp tục hoàn thiện phương pháp đánh giá đối với cấp tỉnh và xem xét áp dụng phương pháp đánh giá công tác PCTN đối với các quận, huyện và hướng tới việc đánh giá công tác PCTN tại bộ, ngành, cơ quan sự nghiệp công và các doanh nghiệp Nhà nước.

Thông qua kết quả đánh giá hàng năm, TTCP tiến hành nghiên cứu, đánh giá các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng có hiệu quả thấp để làm rõ nguyên nhân, kiến nghị sửa đổi hoặc tăng cường biện pháp tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cũng kiến nghị kiểm tra, thanh tra toàn diện công tác PCTN đối với địa phương có điểm đánh giá thấp để làm rõ nguyên nhân để có biện pháp giúp địa phương tăng cường công tác PCTN trong thời gian tới.

Phạm Duy