Đó là 1 trong những yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại chỉ thị về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các trường phổ thông được Bộ này ban hành ngày 24/9.

Theo Bộ GD&ĐT, việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt 35%, mặc dù Bộ đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở các em có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sách được sử dụng lâu bền.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng nhiều lần, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục ở địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào SGK.

"Các Sở GD&ĐT chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục, khiến học sinh phải mua quá nhiều xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí" - Chỉ thị nêu rõ.

Đáng lưu ý, Bộ cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT cần phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng SGK và xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Với Nhà xuất bản Giáo dục, Bộ GD&ĐT yêu cầu tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK hiện hành để có phương án chỉnh sửa bản thảo SGK nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK trong quá trình học tập, sau đó báo cáo Bộ về kết quả rà soát, đánh giá và phương án chỉnh sửa bản thảo SGK trước khi tái bản.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lý giải, về việc SGK hiện hành đang in cả bài tập vào sách khiến học sinh chỉ sử dụng được 1 lần. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước phát triển. 

Vì vậy, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)…

Hải Hà